TPHCM: Phụ huynh đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường trước thềm năm học mới

Sáng 19-8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TPHCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch thường trực UBMTTQVN TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu phòng học. Kết quả khảo sát ngẫu nhiên theo hình thức trực tuyến đối với 28.347 phụ huynh cho thấy, phần đông phụ huynh đánh giá tốt về mức đóng học phí, công tác triển khai thủ tục nhập học đầu năm, môi trường giáo dục, chương trình giảng dạy.

TPHCM: Phụ huynh đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường trước thềm năm học mới ảnh 1 Toàn cảnh hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình cơ sở vật chất và trang thiết bị, số đông phụ huynh cho rằng ở mức độ bình thường. Đặc biệt, có 14,4% ý kiến phụ huynh phản ảnh vẫn còn tình trạng nhà vệ sinh dơ bẩn, căn tin chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Ngoài ra, 6,6% ý kiến cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm học ngoài học phí là quá lớn; 8,2% ý kiến cho rằng việc học vẫn còn áp lực trong thi cử, chương trình học còn nặng nề, chưa dành nhiều thời gian học ngoại khóa, kỹ năng sống, tình hình an ninh trật tự trước cổng trường còn nhiều bất cập; 14,4% phụ huynh đề nghị quan tâm nhiều hơn nữa đến việc nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường nhất là nhà vệ sinh, căn tin, tăng cường thêm các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

TPHCM: Phụ huynh đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường trước thềm năm học mới ảnh 2  Ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch thường trực UBMTTQVN TPHCM thông tin về kết quả khảo sát ý kiến của phụ huynh

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết, kết quả khảo sát ghi nhận nhiều địa phương do áp lực tăng dân số cơ học, học sinh tăng cao so với năm học 2021 - 2022 nên tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đảm bảo, việc xây dựng trường lớp chưa theo kịp số lượng học sinh; công tác tuyển dụng giáo viên chuyên ngành như tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật khó khăn do không có người ứng tuyển...

Bên cạnh đó, các quận, huyện kiến nghị có phân cấp quản lý về cho quận, huyện trong việc triển khai thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên nhân là do hiện nay, việc sử dụng tài sản công như căn tin, bãi giữ xe, nhà trường phải xây dựng đề án, trình Thường trực HĐND TPHCM thông qua nên mất nhiều thời gian, gây quá tải cho thành phố.

Trước đó, Ban Thường trực UBMTTQVN TPHCM đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức các đoàn khảo sát tại UBND các quận 11, 12, Bình Tân và huyện Nhà Bè về công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Theo nhà giáo Trần Trung Mậu, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM, để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đã triển khai nhiều dự án xây mới trường lớp. Các phòng GD-ĐT quận, huyện đã có nhiều chỉ đạo sát sao về hướng dẫn, tuyên truyền phụ huynh trong việc trang bị sách giáo khoa đầu năm học.

TPHCM: Phụ huynh đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường trước thềm năm học mới ảnh 3 Nhà giáo Trần Trung Mậu kiến nghị biện pháp quản lý đối với tình trạng lạm thu đầu năm học

Riêng vấn đề giải quyết chỗ học cho người dân, đặc biệt là tuyển sinh đầu cấp, để giảm áp lực cho hệ thống trường công lập, một số địa phương như quận Bình Tân đã đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho hệ thống ngoài công lập phát triển để chia sẻ nhu cầu giải quyết chỗ học cho người dân.

Đặc biệt, nhà giáo Trần Trung Mậu kiến nghị ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn nữa đến việc quản lý tình trạng lạm thu dưới hình thức xã hội hóa đầu năm học. Theo đó, xã hội hóa là một trong những chủ trương tốt của ngành giáo dục nhưng thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu là vấn đề cần kiểm soát.

Song song đó, chế độ chính sách cho giáo viên cần được tiếp tục quan tâm để đảm bảo đời sống cho đội ngũ, giúp các thầy, cô yên tâm công tác.

Tin cùng chuyên mục