TPHCM phê duyệt Đề án nâng cao năng lực và kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo chuẩn quốc tế

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030". 
Theo đó, việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đạt các mục tiêu cụ thể sau:
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, có 90% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Ngoài ra, tại các trường phổ thông khác có 40% học sinh theo học và 20% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Về đội ngũ giáo viên, có 80% giáo viên dạy Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% các trường phổ thông có phòng máy vi tính và 50% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, có 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 50% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.

Ngoài ra, 100% giáo viên dạy Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% các trường phổ thông có phòng máy vi tính và 80% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 80% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 80% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 50% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.

Về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% nhà trường có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy vi tính đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.

TPHCM phê duyệt Đề án nâng cao năng lực và kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo chuẩn quốc tế ảnh 1 Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong một giờ học với máy tính

Đề án được dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách TP, ngân sách quận, huyện theo phân cấp kết hợp với xã hội hóa để đảm bảo triển khai một cách hiệu quả.

Trước đó, theo Sở GD-ĐT TP, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học đã trở thành bộ môn chính thức đưa vào giảng dạy từ cấp tiểu học. Vì vậy, việc đầu tư phòng máy, máy vi tính và đội ngũ đạt chuẩn nhằm đảm bảo 100% các trường phổ thông dạy môn Tin học là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay cho thấy, TP có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong cả nước về cơ sở vật chất, phòng máy, đội ngũ giáo viên dạy Tin học.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, việc thí điểm đưa môn Tin học vào giảng dạy tại các trường phổ thông theo chuẩn quốc tế IC3 Spark, IC3 và MOS (chứng chỉ quốc tế do Tổ chức Certiport cấp, đã được Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ GD-ĐT công nhận).

Tại TPHCM, các trường Tiểu học đang sử dụng nhiều nguồn tài liệu như "Luyện tập tin học cùng IC3 Spark" (368 trường), "Cùng học tin học" (92 trường), Tài liệu IC3 Spark của Fahasa (14 đơn vị), Tài liệu hướng dẫn học tin học theo mô hình trường học mới VNEN (21 đơn vị).
Riêng đối với các trường THCS, bên cạnh sử dụng sách giáo khoa đã triển khai cho học sinh học và thi chứng chỉ quốc tế Internet and Computing Core Certification (IC3). Ở bậc THPT, bên cạnh thực hiện môn Tin học theo chương trình của Bộ GD-ĐT (2 tiết/tuần đối với lớp 10 và 1,5 tiết/tuần đối với lớp 11 và lớp 12), một số trường xây dựng chương trình nhà trường và dạy Tin học cho học sinh lớp 10 và 11 theo các chứng chỉ quốc tế của Microsoft Office Specialist (MOS) do tổ chức quốc tế Certiport chứng nhận.
Qua triển khai thực tế, Sở GD-ĐT TP nhìn nhận, việc triển khai các chương trình Tin học quốc tế mới dừng ở mức thí điểm với số lượng trường, lớp và học sinh tham gia còn ít, trên cơ sở có sự tự nguyện của phụ huynh, sự tham gia của các doanh nghiệp chưa có cơ chế đầy đủ và rất khó mở rộng.

Năm học 2018 - 2019, toàn TP có 434 (88,4%) trường tiểu học tổ chức dạy học môn Tin học cho 410.579 học sinh (đạt tỷ lệ 63,95%). Trong đó có 224 trường dạy từ lớp 1 đến lớp 5, 115 trường dạy từ lớp 2 đến lớp 5 và 95 trường đưa vào dạy ở lớp 5. Một số trường tiểu học có tổ chức dạy Tin học nhưng không đầy đủ ở các khối lớp và vẫn còn 57 trường Tiểu học chưa tổ chức dạy học môn Tin học.

Ở cấp trung học (THCS và THPT), học sinh TP có môi trường thuận lợi trong việc học và tiếp cận khoa học công nghệ, đặc biệt là Tin học. Với các phương tiện, thiết bị được đầu tư cho nhà trường, 100% học sinh THCS và THPT được học Tin học. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dừng ở chương trình phổ thông, chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các nhà trường hiện nay đang ngày một nâng cao. Hầu hết các đơn vị, cơ sở giáo dục đã được kết nối internet băng thông rộng và kết nối cáp quang, có máy tính phục vụ công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, các trường trung học đều có phòng tin học và máy vi tính để giảng dạy chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên hệ thống còn cũ kỹ, lạc hậu, cấu hình thấp, khó triển khai các chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế.
Song song với việc đầu tư thiết bị máy tính cho các trường, ngân sách TP đã dành một khoản kinh phí lớn để trang bị bảng thông minh (Smart board), phòng có máy chiếu, phần mềm, thiết bị thực hành, thí nghiệm ảo, thiết bị thực hành, thiết bị tích hợp với máy tính để phục vụ công tác dạy và học. Một số trường thông qua hình thức xã hội hóa giáo dục đã trang bị phòng máy chiếu 3D, bàn học tương tác…
Việc trang bị các thiết bị dạy học hiện đại là cơ sở quan trọng giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận các nước tiên tiến trên thế giới; giúp các bài giảng sinh động hơn, dễ hiểu, gần gũi hơn với học sinh, tạo thêm điều kiện cho học sinh thực hành, thực nghiệm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, sau 4 năm triển khai thí điểm, toàn TP có 4.524 học sinh tiểu học đạt chứng chỉ IC3 Spark, 280 học sinh THCS đạt  chứng chỉ IC3 và 10.277 học sinh THPT đạt chứng chỉ MOS.

Ngòai ra, nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế và được tuyển thẳng vào đại học ở Việt Nam cũng như được nhận học bổng của các nước phát triển trên thế giới.  

Với quyết định phê duyệt Đề án, UBND TP giao Sở GD-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai Đề án.
Sở GD-ĐT TP và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thẩm định và cho phép các trường phổ thông trực thuộc triển khai chương trình trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện của học sinh và phụ huynh. 

Tin cùng chuyên mục