TPHCM phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn

Tại kỳ họp thứ 25 HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích hỗ trợ để hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.

Sáng 22-4, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 25 – kỳ họp chuyên đề và tổ chức tổng kết hoạt động HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là kỳ họp cuối cùng của HĐND TPHCM khóa IX.

Thu hút đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020); nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2021-2025).

Đồng chí đánh giá, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, cả giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,43%.

Với lực lượng lao động đang làm việc chiếm 8,62% lực lượng lao động cả nước (4,7 triệu người), nhưng tỷ trọng kinh tế TPHCM đóng góp chiếm trên 22,2% kinh tế cả nước.

TPHCM đã thành lập TP Thủ Đức và đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của TPHCM chưa đạt kế hoạch đề ra do tác động của dịch Covid-19, dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ chưa đạt chỉ tiêu đề ra (từ 8-8,5%/năm).

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp thứ 25, HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh tại TPHCM chưa đạt. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu.

Trong nhiệm kỳ 2021-2025, TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Về các giải pháp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, TPHCM tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích hỗ trợ để hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đồng chí khẳng định, TPHCM phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TPHCM phát triển bền vững. TP chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất - kinh doanh và tổ chức xã hội; xây dựng chính quyền số.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Trong đó, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam TPHCM, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ… Cùng với đó, TPHCM xây dựng và thực hiện 4 chương trình đột phá, phát triển TP.

Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, ngay sau khi HĐND TPHCM biểu quyết thông qua Nghị quyết, UBND TPHCM đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TPHCM đã ban hành các Nghị quyết về đầu tư công. Việc thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 đã thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, xã hội của TPHCM, giúp tăng trưởng kinh tế.

Điểm vướng mắc, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, là tổng mức đầu tư của gần 1.950 dự án lên đến hơn 302.800 tỷ đồng trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TPHCM chỉ đáp ứng được 150.000 tỷ đồng (khoảng 50% nhu cầu vốn). Do đó, TPHCM gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời cũng gặp khó khăn trong cân đối, bố trí vốn cho các dự án cấp bách.

Để triển khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có hiệu quả, Chủ tịch UBND TPHCM nêu giải pháp tiếp tục chủ động rà soát, chuyển đổi các chương trình, dự án sang các hình thức đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư trong xã hội.

TPHCM cũng trình Trung ương chấp thuận Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và làm tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.

TPHCM tập trung triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo hướng tập trung, không dàn trải.

Trong quản lý, thực hiện các Nghị quyết của HĐND TPHCM, UBND TPHCM đã có giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp đơn vị hành chính; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức; cải cách hành chính; giảm nghèo; chăm sóc sức khỏe người dân; hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

TPHCM phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn ảnh 2 Trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

HĐND TPHCM hoạt động chất lượng và hiệu quả

Trình bày báo cáo tổng kết hoạt động HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, HĐND TPHCM đã triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021” và đạt nhiều kết quả.

Trong đó, qua 25 kỳ họp, chất lượng tổ chức các kỳ họp được nâng cao. HĐND TPHCM cũng triển khai có hiệu quả kỳ họp ít giấy từ tháng 7-2019.

Trong nhiệm kỳ, HĐND TPHCM đã ban hành 318 nghị quyết. Hoạt động giám sát của HĐND TPHCM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật và việc thực hiện các nghị quyết HĐND TPHCM.

Điểm mới trong hoạt động giám sát của HĐND TPHCM là tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND TPHCM, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND TPHCM và giám sát của Tổ Đại biểu HĐND TPHCM.

Đặc biệt, các ứng cử viên được giới thiệu bầu vào các chức danh lãnh đạo của HĐND TPHCM và UBND TPHCM đã trình bày chương trình hành động trước khi đại biểu bỏ phiếu quyết định. Đây là nét mới, là vấn đề trọng tâm làm cơ sở để HĐND TPHCM và cử tri thực hiện việc giám sát chức trách nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo. 

Với hơn 6.500 cuộc tiếp xúc cử tri, hơn 100.000 lượt cử tri tham dự, hoạt động tiếp xúc cử tri được HĐND và các ĐB quan tâm, không ngừng đổi mới. Hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề cũng được chú trọng. Thường trực HĐND TPHCM đã tiếp gần 700 lượt công dân, tổ chức 124 buổi làm việc với các sở, ban, ngành, các địa phương để yêu cầu giải quyết đơn thư của công dân, hạn chế tình trạng tiếp tục gửi lên cơ quan cấp trên.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, trong nhiệm kỳ, HĐND TPHCM cũng chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, hoạt động; công tác bồi dưỡng kỹ năng; hoạt động đối ngoại của HĐND các cấp; chú trọng mối quan hệ giữa HĐND TPHCM với các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh những kết quả này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng nhìn nhận, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân dù có những đổi mới và chuyển biến tích cực, tuy nhiên, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; việc giải quyết một số ý kiến, kiến nghị cử tri còn chậm.

Công tác giám sát việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành đối với  một số nghị quyết của HĐND TPHCM đôi khi chưa được thường xuyên. Việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do HĐND các cấp tiếp nhận và chuyển đến các cấp chính quyền, kết quả giải quyết còn chậm.

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra là Thường trực HĐND TPHCM phải mạnh mẽ, linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo, phối hợp hoạt động; đề xuất những giải pháp để cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND; giữ mối liên hệ với các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Thường trực và các Ban HĐND, từng ĐB phải bám sát thực tiễn, gắn bó với cử tri, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia; tham khảo kinh nghiệm các địa phương trong, ngoài nước, từ đó các quyết định của HĐND sát thực tiễn, kịp thời, đúng pháp luật, hợp lòng dân…

Trưa 22-4, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã phát biểu tuyên bố bế mạc kỳ họp cuối cùng của HĐND TPHCM khóa IX.

Nhiệm kỳ HĐND TPHCM khóa IX sắp kết thúc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đúc kết, suốt chặng đường 5 năm qua, với trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và khát khao cống hiến, các đại biểu HĐND TPHCM đã gắn bó mật thiết với cử tri, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, phản ánh và đề xuất những giải pháp sát thực tế, căn cơ, mang theo “hơi thở cuộc sống” vào trong từng nội dung HĐND TPHCM xem xét, quyết định.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ tin tưởng TPHCM sẽ tổ chức thành công bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đồng chí, đây là nền tảng vững chắc để HĐND TPHCM các khóa sau tiếp tục kế thừa, phát huy, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước của nhân dân ở địa phương.

 

Đồng chí NGUYỄN THỊ THANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội: 

Chú trọng giải trình, tái giám sát


TPHCM phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn ảnh 4 Đồng chí Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, vấn đề chất lượng đại biểu rất quan trọng. Do vậy, HĐND TPHCM cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động đối với các ĐB HĐND các cấp khi trúng cử.

Trong đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026, nên chăng HĐND TPHCM cần chú trọng hình thức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND với thành phần mở rộng tới Chủ tịch UBND phường; quan tâm tới hình thức tái giám sát.

Tôi mong các vị ĐB HĐND TPHCM sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, để xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân TPHCM.


Đồng chí TRẦN LƯU QUANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM:

Tăng cường giám sát thực thi công vụ của cán bộ công chức


TPHCM phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn ảnh 5 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM khóa IX. Hoạt động của HĐND TPHCM đã góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của TPHCM giai đoạn 2020-2025 và những tháng đầu năm 2021.

Nhiệm kỳ qua HĐND TPHCM tổ chức 25 kỳ họp, nhiều nhất so với các tỉnh thành trong cả nước, ban hành 315 Nghị quyết bao trùm trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề cấp bách quan trọng của TPHCM, được đồng bào cử tri đón nhận. Chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên, bám sát thực tiễn. Công tác tổ chức kỳ họp được cải tiến thấy rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận…

Thời gian tới, để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, HĐND TPHCM cần xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, theo hướng vừa phát huy đầy đủ vai trò theo quy định, vừa phù hợp quy mô đặc điểm của TPHCM, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyền hạn được phân công.

Cần tăng cường chất lượng công tác giám sát, đặc biệt là giám sát cải cách tư pháp, cải cách hành chính, thể chế, thực hiện chính quyền đô thị. Đặc biệt là giám sát việc thi hành pháp luật và thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức từ thành phố đến cấp cơ sở.

Thông qua hoạt động của HĐND nói chung, công tác giám sát nói riêng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Đồng thời giáo dục cán bộ, công chức, viên chức hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, đảm bảo HĐND TPHCM thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân, thể hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…

Tin cùng chuyên mục