TPHCM: Nhiều giải pháp đưa ngành logistics thành dịch vụ mũi nhọn

Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Hệ thống logicstics của TPHCM không ngừng phát triển. Ảnh: CAO THĂNG
Hệ thống logicstics của TPHCM không ngừng phát triển. Ảnh: CAO THĂNG

Mục tiêu quan trọng của đề án sẽ nghiên cứu kinh nghiệm, đề xuất chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của DN TP đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10%-15%. 

Để thực hiện mục tiêu trên, TP đề ra các nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics như đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ. Phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối với các nhóm cảng biển quan trọng của TP, với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, với mạng lưới đường sắt quốc gia và các tuyến vận chuyển xuyên biên giới. Đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công suất đạt 40-50 triệu hành khách/năm và 1-2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030. 

Cùng với đó, tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TPHCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua vịnh Gành Rái. Phát triển hệ thống ICD theo quy hoạch nhằm thay thế và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics của TP. Đồng thời thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 vị trí, gồm: Long Bình, Cát Lái, Khu Công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (Quận Thủ Đức), Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (Huyện Nhà Bè) và tại Huyện Củ Chi với tổng diện tích giai đoạn 2025-2030 đạt khoảng 270-623 ha. 

Mặt khác, đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics. Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp - hình thức đào tạo kép. Hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho toàn vùng hướng tới tính liên kết vùng trong đào tạo và chia sẻ nguồn lực trình độ cao. Ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển người sử dụng dịch vụ logistics; phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics; hợp tác, liên kết vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long) để phát triển logistics; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics.

Theo đánh giá của đề án, ngành logistics ở Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển trong thời gian tới. Cả nước có khoảng 4.000 DN  chuyên nghiệp, các DN logistics đa quốc gia hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.  Quy mô thị trường tuy nhỏ (khoảng 2%-4%), nhưng tốc độ tăng trưởng lên đến 20%-25% cùng với nguồn nhân lực dồi dào, hầu hết là thế hệ trẻ năng động, tiếp cận công nghệ nhanh. Với vị thế sát bờ biển, ngành logistics Việt Nam được dự báo có tiềm năng phát triển mạnh, có thể đạt 80-105 TEU vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục