TPHCM: Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhóm lớp độc lập trên địa bàn có KCN, KCX

Sáng 6-12, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội thảo “Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM”.

Tại đây, nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên đã được các chủ nhóm lớp độc lập tư thục, đại diện phòng GD-ĐT 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đưa ra nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Sử dụng linh hoạt điều kiện cơ sở vật chất

Bà Nguyễn Kim Phượng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, thời gian qua do dịch Covid-19 kéo dài, trẻ không được đến trường thường xuyên nên không thể tham gia các hoạt động phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội theo chương trình giáo dục mầm non.

Hiện nay, trẻ mầm non là đối tượng chưa được tiêm vaccine Covid-19 nên để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người xung quanh dẫn đến việc trẻ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, thể chất, sự tương tác xã hội.

Nhằm tạo môi trường giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, Phòng GD-ĐT quận 12 đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch cải tạo các khu vực trong nhà trường theo hướng tận dụng không gian cho trẻ hoạt động.

Song song đó, cơ sở giáo dục mầm non tạo môi trường cho trẻ thực hành thực tế thông qua việc tổ chức các ngày hội, ngày lễ, hoạt động tham quan, dã ngoại ngoài nhà trường để tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, xử lý tình huống.

Tương tự, tại quận 7, ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 7 thông tin, để khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất nhỏ hẹp tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, địa phương đã chỉ đạo các trường công lập hỗ trợ phát triển chuyên môn đối với các trường tư thục, nhóm lớp độc lập theo từng phường.

Trong đó, nhóm trẻ có diện tích nhỏ hẹp, không đủ diện tích tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh có thể liên hệ mượn cơ sở vật chất của các trường đủ điều kiện, qua đó giúp trẻ ngoài công lập cũng được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt như trẻ đang theo học tại các trường công lập.

Mặc khác, theo bà Trần Kim Dung, chủ nhóm lớp Gấu Trúc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), thời điểm cuối năm, số lượng học sinh đi học ít do công nhân giảm ca làm hoặc thất nghiệp, phụ huynh đi làm "bữa đực, bữa cái" dẫn đến việc trẻ cũng đi học bữa có bữa không.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sĩ số học sinh giảm từ 40%-50% so với thời điểm trước dịch khiến nhóm lớp ảnh hưởng điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, mọi chi tiêu đều phải thắt lưng buộc bụng theo hướng đầu tư nhỏ lẻ từng phần.

Tại Nhóm mầm non Thiên thần nhỏ (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), với điều kiện cơ sở vật chất nhỏ hẹp, khó bố trí các góc học tập như trường công lập, cơ sở đã tận dụng điều kiện sẵn có, bố trí xen kẽ các góc học tập theo hướng ưu tiên phát triển khả năng sáng tạo, lồng ghép các hoạt động giáo dục kỹ năng và tình cảm xã hội cho trẻ. 

TPHCM: Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhóm lớp độc lập trên địa bàn có KCN, KCX ảnh 1 Hội thảo “Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sáng 6-12

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, trong bối cảnh một số nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ sở giáo dục có thể vận dụng linh hoạt đồ dùng dạy học từ vật liệu đơn giản như ly giấy đã qua sử dụng, lá cây ở sân trường, giấy đã sử dụng một mặt...

Theo đó, giáo viên vận dụng linh hoạt các điều kiện ngoài lớp học như sân trường, bãi cỏ, công viên gần trường hoặc dùng chung cơ sở vật chất với các trường lân cận để tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ phù hợp tình hình thực tế của đơn vị.

“Mỗi trẻ có một năng lực tiếp thu khác nhau đòi hỏi giáo viên phải vận dụng linh hoạt điều kiện sẵn có, sử dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tạo môi trường học tập thân thiện, đảm bảo an toàn, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo cho trẻ thông qua các hoạt động tương tác, xử lý tình huống”, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh. 

Phát huy nguồn lực giáo viên

Để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, theo bà Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tạo (quận Bình Tân), cần nâng cao nhận thức của giáo viên về tính cần thiết và vai trò của việc giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ.

Trong đó, giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch, lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức hoạt động sao cho có thể lồng ghép nội dung phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội vào chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ một cách nhẹ nhàng, linh hoạt, hiệu quả.

TPHCM: Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhóm lớp độc lập trên địa bàn có KCN, KCX ảnh 2 Trẻ tham gia hoạt động phát triển kỹ năng xã hội tại Lớp Mầm non Nam Mỹ (huyện Nhà Bè)

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Oanh, Phụ trách chuyên môn Lớp Mầm Non Nam Mỹ (huyện Nhà Bè) nêu ý kiến, giáo viên cần được chủ cơ sở tạo điều kiện làm việc thoải mái, đảm bảo chế độ lương, thưởng để khuyến khích các thầy, cô sáng tạo hơn trong công việc, quan tâm giữ gìn đạo đức nhà giáo.

Song song đó, giáo viên cần tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi, yêu thương trẻ, tạo ra môi trường lớp học nói “không” với bạo lực, la mắng hay xúc phạm trẻ.

“Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cho giáo viên như toạ đàm “Phương pháp giao tiếp sư phạm”, tổ chức cuộc thi viết và thuyết trình về “Trái tim người thầy”. Những câu chuyện xúc động về cô cấp dưỡng, việc làm ý nghĩa của chú bảo vệ, những dòng nhật ký đầy xúc động của giáo viên khi có hiểu lầm của phụ huynh, vất vả trong công tác chăm sóc trẻ hòa nhập… giúp giáo viên có cơ hội nhìn lại, suy ngẫm về hạn chế của bản thân, từ đó thực hiện công tác giáo dục tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.

TPHCM: Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhóm lớp độc lập trên địa bàn có KCN, KCX ảnh 3 Giáo viên lớp Mầm non Nam Mỹ (huyện Nhà Bè) tham gia tọa đàm "Kỹ năng giao tiếp sư phạm"

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, trong quý 3 và 4-2022, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn 8 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đối tượng tham gia bồi dưỡng gồm 320 cán bộ quản lý, chuyên viên phòng GD-ĐT, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Ngoài ra, qua thực tế khảo sát 220 lãnh đạo, chuyên viên phòng GD-ĐT, chủ nhóm lớp, giáo viên lớp độc lập tư thục và cha mẹ / người chăm sóc trẻ về thực trạng tổ chức hoạt động giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ tại 200 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) đã hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên các cơ sở mầm non độc lập tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế và khả năng tiếp thu của trẻ.

Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD-ĐT thường xuyên rà soát, kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời các chủ nhóm lớp, giáo viên giúp các thầy cô hoàn thành tốt nội dung theo kế hoạch năm học.

TPHCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động tập trung tại TP Thủ Đức và các quận, huyện gồm: 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè.

Toàn thành phố hiện có 1.177 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, mầm non độc lập.

Tin cùng chuyên mục