TPHCM mở rộng chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI

Ngày 28-10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức ký kết thỏa thuận liên kết vùng về phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm công nghiệp (CN) hỗ trợ với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: TTXVN
Đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: TTXVN

Ngày 28-10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức ký kết thỏa thuận liên kết vùng về phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm công nghiệp (CN) hỗ trợ với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, các bên cam kết chia sẻ thông tin dữ liệu cơ bản về số lượng doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, chủng loại sản phẩm… tại từng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao đang hoạt động tại các tỉnh thành, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp CN hỗ trợ. Đây cũng là cơ sở kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối. 

Tại buổi lễ ký kết, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp cả nước tập trung chủ yếu tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện ước tính sản xuất của vùng chiếm 40% GDP cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng chiếm 40% cả nước. Riêng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, toàn vùng thu hút được 173/345 tỷ USD tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo ra nhu cầu rất lớn về nguồn cung ứng sản phẩm CN hỗ trợ. Vì vậy, việc ký kết trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh thành chia sẻ thông tin, rút ngắn khoảng cách kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Về lâu dài, các bên sẽ chi tiết hóa phương thức kết nối, phát huy các nguồn lực và tiềm năng của doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CN hỗ trợ toàn cầu...

Cùng ngày, tại TPHCM đã diễn ra diễn đàn “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư tổ chức. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, tính đến ngày 20-10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 23 tỷ USD, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tin cùng chuyên mục