TPHCM mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn, giải quyết dứt điểm trong năm 2021

Ngày 9-3, trong cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện nghe báo cáo đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, TPHCM có chủ trương mở đợt cao điểm về xử lý vấn đề tiếng ồn. Mục tiêu là xử lý triệt để và kết thúc trong năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị về xử lý vi phạm tiếng ồn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị về xử lý vi phạm tiếng ồn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hai giai đoạn xử lý

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, tiếng ồn không phải là vấn đề lớn mà lại trở thành vấn nạn do thiếu kiên quyết xử lý. Hiện nay, tiếng ồn là vấn nạn cần tập trung kiểm soát. Đây là hành vi không phù hợp trong đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM. Vì thế, TPHCM tìm cách xử lý cho bằng được những vấn đề làm giảm chất lượng cuộc sống, quyết tâm xử lý triệt để, nghiêm túc hành vi gây ra tiếng ồn.

Đồng chí Võ Văn Hoan đánh giá, thời gian qua, TPHCM vẫn có xử phạt các trường hợp vi phạm về tiếng ồn chứ không phải không xử phạt, không làm gì. “Nhưng chúng ta chưa thực sự làm tốt, chưa hiểu hết các quy định và chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xử lý”, đồng chí Võ Văn Hoan nhìn nhận. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, TPHCM có chủ trương mở đợt cao điểm tạm gọi là vấn đề tiếng ồn và hành động của TPHCM, tập trung từ nay đến cuối năm 2021. Mục tiêu là xử lý triệt để và kết thúc trong năm nay, không để xảy ra việc nhức nhối ồn ào về tiếng ồn. Sau cao điểm, TPHCM sơ kết, đánh giá và tiếp tục làm, công việc này trở thành việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng quan điểm với các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn cần phải triển khai toàn diện và chia làm 2 giai đoạn. Việc quan trọng đầu tiên TPHCM làm là vận động người dân, doanh nghiệp hiểu và cam kết không gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh, thực hiện từ nay đến ngày 23-5 (giai đoạn 1).

Trong đó, đối với các khu chung cư, chung cư nào có quy định về việc tiếng ồn rồi thì căn cứ theo đó thực hiện. Chung cư nào chưa có quy định thì phải bổ sung vào quy chế, quy định dứt khoát không ca hát ở khu chung cư. Đối với khu dân cư, đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu địa phương tiếp cận một số trường hợp thường xuyên tổ chức ca hát ồn ào, bị phản ánh nhiều lần, vận động các trường hợp này cam kết không tái diễn. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, quán ăn có ca hát gây ồn ào xung quanh, đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu địa phương vận động doanh nghiệp cam kết không thực hiện hành vi này. Trong trường hợp có ca hát, quảng cáo mở nhạc thì phải thực hiện trong phòng kín cụ thể của quán như đối với hát karaoke; không ca hát, không bật nhạc ồn ào ở không gian mở (dù là không gian của quán), gây ảnh hưởng tới người khác.

Xử phạt hành chính thật nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn

Từ sau ngày 23-5 (giai đoạn 2), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính thật nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn. Đồng chí Võ Văn Hoan nhắc nhở các địa phương về việc thường bao biện không có máy đo để xác định cường độ âm thanh, cho rằng không có máy đo nên không thể xử lý được.

Đồng chí nói rõ, máy đo chỉ áp dụng trong một không gian cụ thể - trong phòng kín, còn không gian mở, không gian công cộng thì dù có máy cũng không xài được. “Nếu vậy thì… “bó tay”?!”, đồng chí Võ Văn Hoan hỏi. Trả lời câu hỏi trên, đồng chí khẳng định, trong thực tế, một hành vi đó có thể vận dụng nhiều quy định khác nhau, có thể xử lý được chứ không phải không. Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan yêu cầu, chính quyền cơ sở không loay hoay chuyện không có công cụ, không có người, không có thời điểm xử lý để không giải quyết. Ngược lại, trong việc xử lý, phải có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, có vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, phải xem đó là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân. 

Cụ thể về hướng xử lý và cơ sở xử lý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu rõ 4 Nghị định (NĐ) mà sở, ngành, quận, huyện, phường, xã cần tập trung, áp dụng nhuần nhuyễn, bổ sung cho nhau. Đó là áp dụng NĐ 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để xử lý những quán ăn, nhà hàng, karaoke… dựng xe lấn chiếm lòng lề đường.

Trong áp dụng NĐ 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC, phòng chống bạo lực gia đình, đồng chí Võ Văn Hoan chỉ đạo, ngoài xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung theo khoản 1 và khoản 2, Điều 6, thì cần áp dụng biện pháp bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm theo khoản 3 ở Điều này.

Trong việc xử phạt theo NĐ 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đồng chí Võ Văn Hoan chỉ đạo cán bộ cơ sở đi thực tế tại các điểm ăn uống nhưng lại tổ chức ca hát ồn ào, cán bộ cần ghi âm, ghi hình và lập biên bản xử lý. Để xử lý các hành vi kinh doanh không đúng như giấy phép kinh doanh, đồng chí Võ Văn Hoan yêu cầu áp dụng NĐ thứ tư là NĐ 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đồng chí, từng hành vi vi phạm sẽ áp dụng điều khoản cụ thể để chế tài và phối hợp tổng thể thì sẽ không khó khăn lắm trong xử lý việc vi phạm về tiếng ồn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ đạo quận, huyện, phường, xã chủ động kiểm tra, xử lý. Đồng thời, giao Sở TN-MT TPHCM lập tổ công tác, chọn điểm đi kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện bất kỳ cơ sở nào có vi phạm thì Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc để tiếng ồn không phải là vấn đề lớn lại trở thành vấn nạn do thiếu kiên quyết trong xử lý. Đồng chí cũng giao Sở TT-TT TPHCM – sở quản lý trực tiếp tổng đài 1022 – hàng ngày có báo cáo với UBND TPHCM về tình hình tiếp nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn và kết quả xử lý của các địa phương, nêu rõ địa phương nào xử lý, địa phương nào không.

2 năm, chỉ xử phạt 141 trường hợp

Trước đó, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ trình bày tờ trình về tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TPHCM. Theo đó, tiếng ồn phân thành 4 nhóm đối tượng: 1- từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường, beer clup; 2- quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn; 3- hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật…; 4- các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo, địa điểm sinh hoạt công cộng… “Nhóm 2 và nhóm 3 đang được dư luận quan tâm nhiều nhất, cụ thể là tiếng ồn từ loa kéo karaoke”, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho hay.

Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết quả xử phạt về tiếng ồn của 17 quận, huyện có báo cáo cho thấy, các quận, huyện đã xử phạt 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng. Việc xử phạt được áp dụng theo NĐ 155/2016/NĐ-CP và NĐ 167/2013/NĐ-CP. Khó khăn trong việc xử lý là quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay (QCVN 26:2010/BTNMT) không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử lý của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục; chưa có quy định tần số ồn.

Việc hát karaoke bằng loa kéo xảy ra trong khu dân cư và thường kéo dài sau 22 giờ. Do ngoài giờ hành chính nên UBND quận, huyện, phường, xã khó khăn trong kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý. Trong khi đó mức xử phạt theo NĐ 167/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa có tính răn đe; còn xử phạt theo NĐ 155/2016/NĐ-CP đòi hỏi phải có kết quả đo đạc và kết quả này phải được đơn vị có chức năng thực hiện.

Về giải pháp, tờ trình của Sở TN-MT TPHCM nêu ra 2 giải pháp về tuyên truyền, vận động (giai đoạn 1) và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm (giai đoạn 2). Trong đó, ngành công an tăng cường kiểm tra, xử lý các quán nhậu, quán ăn có sử dụng loa để phát nhạc gây ồn, bị người dân phản ánh; có sử dụng loa kéo để hát karaoke. Bên cạnh việc kiểm tra tiếng ồn, còn kiểm tra việc chấp hành quy định trong các lĩnh vực khác như giao thông (giữ xe, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường, hành vi lạm dụng rượu bia của người tham gia giao thông), đăng ký kinh doanh, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm… để phát huy hiệu quả ngăn ngừa vi phạm.

Sở VH-TT TPHCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị có chức năng để tăng cường công tác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, beer club, vũ trường, nhà hàng… TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn, khu phố phối hợp với công an khu vực, tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh về tiếng ồn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu xảy ra các vụ việc vi phạm kéo dài trên đại bàn quản lý.

Nêu thực tiễn xử lý vi phạm về tiếng ồn, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, khó nhất là có được chứng cứ quả tang để xử lý. Đồng chí nhận xét, khi cảnh sát khu vực tới nhắc nhở là đa số các trường hợp ngưng ca hát, mở nhạc ồn ào. Vấn đề là cảnh sát khu vực có tới không, có biết để tới hay không và quy định có bắt buộc phải tới hay không. Vì thế, cán bộ địa phương, cảnh sát khu vực phải có trách nhiệm trong việc người dân phản ánh. Trong việc đo tiếng ồn, đồng chí cho rằng, cán bộ phường hoàn toàn có thể làm được nếu được đào tạo một khóa về thẩm định tiếng ồn. Chủ tịch UBND quận 12 đề nghị với những nội dung về xử lý tiếng ồn mà pháp luật chưa chế tài thì nên đưa vào hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư để người dân cam kết tuân thủ.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, khó nhất là có được chứng cứ quả tang để xử lý. Ảnh:  VIỆT DŨNG

Trên địa bàn quận Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương nêu thực trạng khi lực lượng chức năng tới nơi gây ra tiếng ồn thì nơi đó e dè hơn và mọi việc lại như cũ khi cán bộ đi. Trong khi đó, mức xử phạt 200.000 đồng/vụ việc là chưa đủ sức răn đe. Đồng chí đề nghị có giải pháp đối với các hoạt động gây tiếng ồn lưu động, mở loa chạy loanh quanh hết nơi này đến nơi nọ.

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM TRẦN THẾ THUẬN:

Bổ sung tiêu chuẩn về tiếng ồn khi xét tặng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa

Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe. Thường cứ gặp khó khăn thì đổ cho quy định pháp luật mà chưa nhận ra hết trách nhiệm của mình. 2 năm mà các quận, huyện chỉ xử phạt 141 trường hợp, vậy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?

TPHCM mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn, giải quyết dứt điểm trong năm 2021 ảnh 3 Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong việc này, ngành VH-TT cũng tự nhận thấy trách nhiệm nặng nề. Việc đưa ra quy ước, hương ước đã làm rồi, nhưng rõ ràng không có hiệu quả. Ở cơ sở, có 90% hộ gia đình văn hóa và trên 90% khu dân cư văn hóa. Trong các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có xét tới việc xả rác, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật… nhưng chưa nhận diện việc gây tiếng ồn. Chưa có gia đình nào, khu phố nào chưa được văn hóa vì để sinh ra tiếng ồn, ô nhiễm tiếng ồn. Ngành VH-TT nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này và sẽ xem lại, đưa vấn đề tiếng ồn khi xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.

Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM TỪ LƯƠNG:

Người dân có thể gọi 1022 để phản ánh vi phạm về tiếng ồn

Sở TT-TT TPHCM được giao quản lý, vận hành tổng đài 1022. Tổng đài đang phối hợp với 86 đơn vị và 625 cơ quan để tiếp nhận và chuyển giao các thông tin, sự cố mà người dân, doanh nghiệp phản ánh về các cơ quan. Trong 12 chức năng của tổng đài 1022, có 1 chức năng đã được giao là phản ánh thông tin về trật tự đô thị xã hội và việc này, Sở đang làm khá hiệu quả.

Người dân có thể cung cấp theo 5 phương thức: điện thoại trực tiếp tới tổng đài 1022, sử dụng App 1022, gửi email, truy cập vào cổng thông tin điện tử và truy cập vào fanpage. Trong trường hợp phản ánh ô nhiễm âm thanh, người dân có thể trực tiếp phản ánh với tổng đài 1022. Tổng đài sẽ tiếp nhận thông tin và chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý tại địa bàn. Nếu đủ dấu hiệu, đủ cơ sở thì xử lý và công khai kết quả ngay sau xử lý hành chính. Trong quá trình gọi 1022, người dân có thể gởi thêm clip và cơ quan chức năng cũng tập trung “phạt nguội” với hành vi gây ồn ào.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM NGUYỄN HỮU HƯNG:

Tiếng ồn có thể gây điếc

Tiếng ồn có hại đối với sức khỏe. Có một số loại hình karaoke, loại hình hát với nhau gây ồn ào khiến người người sống với nhau không lúc nào yên ổn. Cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB là chấp nhận được, còn từ 80 dB trở lên thì có thể gây điếc. Trong khi đó, những tiếng hát lớn có khuếch đại thì cường độ lên tới 110 dB, gấp đôi bình thường. Điều đó gây tác hại với sức khỏe, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Những người sống và tiếp xúc cường độ âm thanh lớn, thì thường không có giấc ngủ ngon.

Nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn bình thường mà cũng không tạo ra giấc ngủ bình thường được. Năng suất lao động ảnh hưởng lớn vì về nhà nghỉ ngơi rồi vẫn bị tra tấn bởi tiếng ồn, không nghỉ ngơi được. Tiếng ồn gây hại đầu tiên là ảnh hưởng tâm lý và từ tâm lý bức xúc nếu cộng bia rượu  có thể dẫn tới xô xát, ảnh hưởng tính mạng.

Tin cùng chuyên mục