TPHCM liên kết vùng du lịch Tây Bắc

Chiều 14-11, tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) diễn ra Hội nghị Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, do UBND TPHCM cùng UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì.

Đây là sự tiếp nối các kết quả đạt được từ liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh ĐBSCL, liên kết giữa TPHCM với 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ…

TPHCM liên kết vùng du lịch Tây Bắc ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày tại hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Điện Biên; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La; cùng lãnh đạo các tỉnh thành, sở ngành, doanh nghiệp của trung ương cũng như địa phương…

Chương trình liên kết du lịch nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, tài nguyên du lịch từng địa phương, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch.

Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thảo luận, ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025 và kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo các hiệp hội du lịch từng địa phương cũng ký kết với các hãng hàng không về thỏa thuận hợp tác liên quan đến chính sách giá ưu đãi, xây dựng sản phẩm du lịch, hỗ trợ quảng bá sản phẩm… Thêm nữa, xuyên suốt hội nghị cũng diễn ra “Diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển liên kết du lịch” giữa TPHCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; lễ “Chào đón đoàn khách du lịch” của các chương trình du lịch kết nối mới giữa TPHCM với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hoạt động “Giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và sản phẩm mua sắm đặc trưng” của TPHCM và các địa phương…

TPHCM liên kết vùng du lịch Tây Bắc ảnh 2 Các đại biểu tham quan khu trưng bày tại hội nghị
TPHCM liên kết vùng du lịch Tây Bắc ảnh 3
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành du lịch cả nước và từng địa phương đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự liên kết để sớm phục hồi. Liên kết là xu hướng tất yếu và cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia cũng như mỗi địa phương, liên kết để tạo ra sự bức phá, liên kết để vươn lên và liên kết để cùng nhau phát triển. Đặc biệt, đối với ngành du lịch TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc liên kết càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi lẽ 10 tháng đầu năm 2020, tổng số du khách quốc tế đến TPHCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ và tổng số du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc chỉ đạt 7,6 triệu lượt, giảm 40% so với cùng kỳ.

Với đặc điểm là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đa dạng bản sắc văn hóa, núi non hùng vĩ, thế mạnh của 8 tỉnh Tây Bắc là du lịch văn hoá, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, đây là vùng du lịch vô cùng hấp dẫn không chỉ với du khách quốc tế mà cả du khách trong nước.

Trong khi đó, TPHCM là đô thị hiện đại - sống động với hơn 300 năm tuổi, là đầu mối giao lưu, giao thương với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, là địa bàn hoạt động của gần 1.500 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hằng năm TPHCM đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí và văn hoá.

Có thể nói, với dư địa hiện nay, cùng các tiềm năng, thế mạnh nêu trên, TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc có nhiều cơ hội để cùng phát triển ngành du lịch, đồng thời hai bên có thể bổ trợ cho nhau để tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn TPHCM - Tây Bắc và ngược lại, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình khám phá Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn mà cả hai bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại.

Để việc liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc ngày càng hiệu quả, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề xuất cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào các nội dung trọng tâm, bao gồm:

Một là tập trung phục hồi ngành du lịch, hiện nay các doanh nghiệp du lịch đang chịu tác động nặng nề, nhiều khách sạn công suất phòng dưới 8% trong khi trước dịch bệnh là trên 80%. Do đó, ngành du lịch cần có những giải pháp sáng tạo, mạnh dạn để giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sớm, đó là liên kết hợp tác để tăng cường lượng khách hai chiều từ các tỉnh, thành.

Hai là cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hệ thống kết cấu hạ tầng.

Ba là, liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông và xúc tiến, cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung. Điển hình là TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện du lịch mỗi tháng, trong đó Hội chợ du lịch quốc tế và Ngày hội du lịch sẽ là hai hoạt động hiệu quả cho hoạt động giao thương của các doanh nghiệp du lịch. Từ sau hội nghị này, TPHCM sẽ bố trí một gian hàng chung giới thiệu du lịch vùng Tây Bắc tại hội chợ do TP tổ chức, như đã thực hiện với ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ trong Ngày hội Du lịch TPHCM tháng 7 vừa qua; đã mang về 9.300 giao dịch cho các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành.

Bốn là, phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh.

Năm là, đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh có 2 nỗi lo nhất hiện nay đối với sự phát triển du lịch, gồm hạ tầng giao thông và sự phát triển “nóng” về du lịch tại các địa phương. Chính vì sự phát triển “nóng” này dẫn đến nguồn lực quốc gia không được khai thác hiệu quả, nhiều nơi phải trả giá đắt, có những ngọn núi bị phá, dòng sông “chết”… Do vậy, cần khai thác du lịch theo hướng bền vững, có sự phối hợp liên vùng, địa phương. Thực tế có những nơi đua khai thác du lịch, sản phẩm không bổ trợ mà cạnh tranh nhau. Hai TP lớn (Hà Nội, TPHCM) hãy như hai đầu kéo, nỗ lực phần mình đồng thời kéo theo các vùng cùng phát triển.

“Doanh thu từ du lịch tuy thấp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử trị giá tỷ USD, nhưng bù lại, mô hình du lịch bền vững sẽ giúp bà con khai thác bền lâu, tác động ổn định đến môi trường, trở thành “của để dành” cho con cháu về sau”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.

Tin cùng chuyên mục