TPHCM lên phương án bầu cử an toàn với dịch Covid-19

TPHCM chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về những biện pháp, phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 khi diễn ra bầu cử.

 Phóng viên: Thưa ông, TPHCM có hơn 3.000 khu vực bỏ phiếu. Tại những nơi này sẽ thực hiện phòng chống dịch Covid-19 cũng như những biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia bầu cử, cử tri ra sao?

TPHCM lên phương án bầu cử an toàn với dịch Covid-19 ảnh 1 Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Bác sĩ NGUYỄN HỮU HƯNG: Sở Y tế TPHCM đã chủ động đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian tổ chức bầu cử, không để xảy ra tình huống lây nhiễm dịch bệnh trong hoạt động bầu cử; trong đó có 2 tình huống chính, đó là tình huống khi TPHCM không có dịch và khi TPHCM xảy ra khu vực có dịch Covid-19. Khi tổ chức bầu cử vẫn luôn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và không được chủ quan, lơ là.

Cụ thể, các địa điểm bỏ phiếu được lựa chọn là những cơ sở có diện tích rộng rãi, thông thoáng và đều được vệ sinh, khử khuẩn thời điểm trước, trong và khi kết thúc bầu cử. Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa và sử dụng quạt máy. Nếu sử dụng điều hòa, cuối buổi bỏ phiếu phải mở cửa phòng tạo sự thông thoáng. Các điểm bỏ phiếu sẽ bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay, máy đo thân nhiệt và khẩu trang, tờ khai y tế… Các điểm này cũng chuẩn bị phòng cách ly y tế tạm thời cho các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc Covid-19.

Đồng thời, TPHCM yêu cầu nghiêm túc tuân thủ 5K (khai báo y tế, khoảng cách, khẩu trang, khử khuẩn và không tụ tập) trong công tác bầu cử. Đặc biệt, quy trình bỏ phiếu thực hiện một chiều. Các bàn, chỗ ngồi ghi phiếu, khu vực bỏ phiếu, khu vực cử tri ngồi chờ được bố trí… đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m.

Trường hợp có tình huống dịch bệnh trong thời gian bầu cử, việc ứng phó sẽ được tiến hành ra sao?

Sở Y tế TPHCM đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn bầu cử trong tình huống tại TPHCM xảy ra khu vực có dịch Covid-19, gồm phương án tổ chức bầu cử tại khu vực thực hiện giãn cách xã hội, khu vực thực hiện cách ly xã hội, khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung, tại bệnh viện điều trị người mắc Covid-19, người đang cách ly tại nhà... 

Hoạt động bầu cử tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội, khu vực phong tỏa sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Cụ thể, sẽ bố trí để cử tri bỏ phiếu theo từng khu vực, điểm dân cư theo thời gian nhất định và thực hiện phân luồng từ xa. Khoảng cách mọi người ở điểm bỏ phiếu phải đảm bảo tối thiểu là 2m. Các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri không được tổ chức quá 20 người trong một phòng họp. Cán bộ của tổ bầu cử sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ. Nếu phát hiện trường hợp cử tri ho, sốt thì đưa cử tri sang phòng cách ly; cán bộ phục vụ, cử tri tự theo dõi sức khỏe tối thiểu 14 ngày.

TPHCM lên phương án bầu cử an toàn với dịch Covid-19 ảnh 2 Cử tri huyện Củ Chi được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào dự hội nghị tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, chiều 9-5. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạt động bầu cử tổ chức ra sao tại các cơ sở cách ly kiểm dịch, bệnh viện dã chiến, nơi điều trị Covid-19?

Ở các cơ sở cách ly kiểm dịch và điều trị Covid-19 sẽ có thùng phiếu lưu động. Mỗi quận, huyện sẽ quy định một địa điểm lưu giữ các thùng phiếu lưu động và kiểm phiếu bầu. Cán bộ y tế trợ giúp và giám sát hoặc tham gia vào tổ bầu cử. Người tham gia tổ bầu cử mặc quần áo phòng hộ, mang khẩu trang trong quá trình làm nhiệm vụ.

Đối với Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Covid-19 Cần Giờ, khu cách ly tập trung TPHCM, các khu cách ly ở các quận, huyện thì thành lập tổ bầu cử phục vụ cho bệnh nhân, người cách ly và nhân viên trong các địa điểm trên. Đối với bệnh viện có khoa tiếp nhận người đang được cách ly để điều trị hay đối với các khách sạn có người cách ly, người cách ly tại nhà, thì cán bộ của tổ bầu cử sẽ tới từng bệnh viện, khách sạn và nhà dân và sẽ có nhân viên y tế hỗ trợ tổ bầu cử đưa thùng phiếu lưu động đến từng nơi để nhận phiếu. 

Đối với các cử tri già yếu, đau ốm, người khuyết tật... không đến bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu bầu cử, cán bộ tổ bầu cử đưa thùng phiếu lưu động đến nơi cư trú để cử tri bỏ phiếu. Phiếu sẽ được tập trung và tất cả thùng phiếu lưu động được niêm phong, khử khuẩn bên ngoài rồi vận chuyển bằng xe y tế đến điểm kiểm phiếu.

Trong ngày bầu cử, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM điều phối mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện, bố trí các tổ y tế thường trực tại 54 chốt y tế nhằm sẵn sàng tiếp nhận, sơ cứu, vận chuyển đến các bệnh viện nếu các cử tri có vấn đề về sức khỏe. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đảm bảo các ca kíp trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị khi có người bệnh chuyển đến; đồng thời chuẩn bị bố trí các tổ y tế cấp cứu ngoài bệnh viện được trang bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu, thường trực 24/24 giờ tại bệnh viện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngoại viện khi có lệnh điều động.

Tin cùng chuyên mục