TPHCM là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh phục vụ nông nghiệp và thủy sản

Chiều 9-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và lãnh đạo TP có buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, làm trưởng đoàn, khảo sát kết quả 10 năm triển khai thực hiện NQ26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Cao Thăng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Cao Thăng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của sản xuất nông nghiệp TPHCM, nông nghiệp đô thị, sản xuất trên diện tích nhỏ, lẻ. TP chỉ có 5,7% hộ làm nông nghiệp, nhưng lao động thực sự sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% dân số, đóng góp 0,8% GRDP của TPHCM.

Trong tổng số 10 triệu người ở TP, 5 huyện ngoại thành có 1,4 triệu người với khoảng 352.000 hộ nhưng chỉ 20.000 hộ làm nông nghiệp, tương đương 80.000 người. Trong 115.000ha đất nông nghiệp, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ là 75.000ha nên diện tích sản xuất nông nghiệp trên giấy lớn hơn nhiều so với thực tế sản xuất. Giá trị sản xuất 1ha đất nông nghiệp năm 2017 là 450 triệu đồng/ha, trong đó giá trị gia tăng chiếm 45% giá trị sản xuất.

Con số này còn có thể tăng lên khi TP xác định nông nghiệp TP phát triển theo hướng trở thành trung tâm giống, sản xuất và cung cấp giống cây, con cho khu vực và cả nước. TPHCM cũng là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh phục vụ cho nông nghiệp và thủy sản.

Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mới thu hút 11,5% số hộ, gần 90% hộ đơn lẻ, khó tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật khi tăng cường vận động để bà con nông dân tham gia vào các HTX nông nghiệp kiểu mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã báo cáo về những kết quả mà ngành nông nghiệp TP đạt được trong 10 năm qua. Tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Trong đó, đẩy mạnh quy hoạch sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ việc phát huy lợi thế so sánh địa phương; hình thành các vùng sản xuất tập trung như rau, chăn nuôi bò sữa, thủy sản... Quy hoạch lại cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm theo hướng công nghiệp; hiện đại hóa cơ sở giết mổ, chế biến; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả ở nông thôn. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội, giúp phát triển nhanh kinh tế nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận những kết quả đạt được, trong đó có những chỉ tiêu TP vượt trội so với cả nước. TPHCM làm sâu sắc hơn nữa để có thể thấy rõ thực trạng sản xuất nông nghiệp vùng nông thôn với tính chất đặc thù của một trung tâm kinh tế lớn cả nước, trên cơ sở đó triển khai giải pháp phù hợp thời gian tới.

Đó là tập trung vào chế biến nông sản thực phẩm từ các nơi đưa về để cung cấp cho người dân TP sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất khẩu. Để chống ô nhiễm môi trường qua việc xử lý chất thải, phải qua chế biến, giết mổ tập trung. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cho TP và khu vực như thiết bị tưới nhỏ giọt thay vì nhập khẩu. Khi tỷ lệ người làm nông nghiệp giảm xuống, diện tích đất nông nghiệp cũng giảm, ứng dụng công nghệ cao để duy trì tốc độ sản xuất cũng như tăng trưởng nông nghiệp. TP là nơi nghiên cứu, phát minh, sản xuất và cung cấp công nghệ.

Tin cùng chuyên mục