TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, xác định nội dung cần điều chỉnh tại Nghị quyết 54. Qua đó, làm cơ sở cho TPHCM tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố. 

Sáng 10-5, HĐND TPHCM tổ chức giám sát UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 25 của HĐND TPHCM.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. Về phía UBND TPHCM có đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Chủ trì buổi giám sát là đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM. 

TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 1 Quang cảnh buổi giám sát của HĐND TPHCM đối với UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò rất quan trọng

Báo cáo tóm tắt việc thực hiện Nghị quyết 54, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Trần Phú cho biết, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT rà soát, lập danh mục các dự án chuyển mục đích trồng lúa; trình HĐND TPHCM thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 1.843ha. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm từ năm 2020 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết 54 tối đa là 1,2 lần mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Việc chi thu nhập tăng thêm đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện TPHCM đã góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. 

TPHCM quyết liệt đeo bám các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị, trình các nội dung thuộc Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025-2030. Kết quả, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; trong đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM là 21% (tăng 3% so với năm 2021). 

UBND TP cũng đã ban hành Nghị quyết 17 về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu giai đoạn 2019-2022. Đến nay, TPHCM đã thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học.

Đánh giá việc tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp Thành phố phát huy tốt hơn lợi thế tiềm năng, phát triển bền vững, UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để TPHCM được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. 

Chuẩn bị đầy đủ lộ trình, nguồn lực khi xây dựng Nghị quyết mới

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 54 đã phát huy được một số kết quả nhất định. Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý đất đai, việc thực hiện Nghị quyết 54 đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ xin ý kiến các Bộ trước khi trình Thủ tướng. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, HĐND TPHCM đã thông qua 3 nghị quyết, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.900 tỷ đồng và điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư 1 dự án từ nhóm B qua nhóm A nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương trong đầu tư công. 

TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát của HĐND TPHCM đối với UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với cơ chế ủy quyền đã giúp cho các sở - ngành, UBND các quận - huyện chủ động trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc triển khai chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức đã tạo động lực, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. 

Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến, cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy, triển khai đầy đủ, kịp thời như mong đợi. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, dù đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ, nhưng các quy trình, thủ tục tiếp theo còn chậm, nên tất cả các dự án đều chưa hoàn thành tiến độ. UBND TPHCM chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cần quan tâm rà soát để thực hiện đầy đủ. Tất cả 6 dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 cũng đều chậm tiến độ. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng đường Trần Quốc Hoàn đến nay chưa thể thực hiện công tác xác định ranh đất bồi thường, chưa thể tiếp nhận bàn giao ranh đất quốc phòng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện khu tái định cư của dự án...

Đến nay, TPHCM vẫn chưa thực hiện tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; chưa phát sinh nguồn thu từ khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố; từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Nguồn cải cách tiền lương còn dư chưa được sử dụng để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn mà chủ yếu mới thực hiện chi thu nhập tăng thêm. Thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố quản lý cũng chưa đạt được mức 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ. Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ có một chuyên gia ký hợp đồng làm việc với Khu Công nghệ cao. 

Từ những đánh giá này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ kiến nghị UBND TPHCM quan tâm và giải quyết kiến nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa để kết nối nhà ga T3 và dự án Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ. Đồng thời rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10ha, xem xét tính khả thi, tính cần thiết tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND TPHCM hủy bỏ danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND TPHCM phân tích nguyên nhân, trong đó đặc biệt chú ý đến nguyên nhân chủ quan, xác định nội dung cần điều chỉnh. Theo đồng chí, để làm cơ sở cho TPHCM tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố; trong quá trình nghiên cứu để xây dựng nghị quyết mới cần có sự chuẩn bị phương án, giải pháp, lộ trình cụ thể và nguồn lực để triển khai thực hiện. Việc này nhằm tránh tình trạng khó khăn lặp lại khi triển khai cơ chế như Nghị quyết 54, đồng thời phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới.

Trong số các kiến nghị, UBND TPHCM đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Trong đó, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TPHCM cho TP Thủ Đức. Cụ thể, UBND TP Thủ Đức được thực hiện các chức năng quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của các sở ngành, với các lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, quy hoạch – kiến trúc, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải. Với các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng mà người dân, doanh nghiệp đóng góp dưới 100% thì nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách phần còn lại để công trình sớm được triển khai xây dựng. 

Về số lượng biên chế hành chính, TPHCM kiến nghị cho phép TPHCM được chủ động giao biên chế đối với UBND TP Thủ Đức. Cụ thể, bố trí số lượng biên chế khối chính quyền TP Thủ Đức năm 2025 tối đa 3/4 số lượng biên chế được giao của 3 quận trước khi hợp nhất (2, 9, Thủ Đức) và giảm dần qua từng năm. Tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức không quá 4 người. 

UBND TPHCM cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định thay thế nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Cụ thể, TPHCM kiến nghị được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng cơ bản. Đồng thời cho phép TPHCM lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án trọng điểm quy mô lớn không phải thông qua đấu thầu. Cho phép thí điểm xã hội hóa đầu tư công viên, trường học, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao trong các khu đô thị mới.  

Ngân sách TP được hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TPHCM làm đại diện chủ sở hữu. Thành phố sử dụng nguồn này và ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của Thành phố. Ngân sách Trung ương không bổ sung cho ngân sách TPHCM 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, TPHCM kiến nghị tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% các khoản thu phân chia cho ngân sách TPHCM cho giai đoạn 2023-2025. 

Kiến nghị cho phép thí điểm đổi mới tuyển dụng công chức viên chức, ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định pháp luật hiện hành, TPHCM được quyền quy định các điều kiện, tiêu chuẩn riêng với các vị trí việc làm đặc thù để tuyển dụng công chức. Kiến nghị UBND TPHCM được quyền trình HĐND TPHCM quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM. 

TPHCM cũng kiến nghị UBND TPHCM có thể căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tiễn và ngân sách TP được phép bố trí tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân…

Tin cùng chuyên mục