TPHCM: Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về xây dựng trường lớp trên địa bàn

Ngày 10-11, Sở GD-ĐT TPHCM đã có dự thảo báo cáo về công tác xây dựng trường học giai đoạn trung hạn 2021-2025 và tiến độ thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn.

Theo đó, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học hiện nay là 74,1%, THCS là 63,2% và THPT là 95,3%.

Năm học 2022-2023, số học sinh trên địa bàn thành phố tăng 21.825 học sinh ở các cấp học so với năm học 2021-2022. Trong đó, THCS tăng nhiều nhất với 13.661 học sinh, kế đến là THPT tăng 12.761 học sinh. 
Giai đoạn trung hạn 2016-2020, toàn thành phố có 721 dự án lĩnh vực giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô 13.676 phòng học với tổng kinh phí hơn 58.212 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 415 dự án với 7.478 phòng học, kinh phí đầu tư 25.788 tỷ đồng. 
Như vậy, kết quả đầu tư chỉ đạt 54, 67% so với kế hoạch.
Trong khi đó, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố cần bổ sung 14.097 phòng học ở tất cả các cấp. Số phòng học đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung đưa vào sử dụng chỉ đạt 6.115 phòng, tỷ lệ 43,38%, chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu. 

Hiện nay, để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với quy mô của ngành giáo dục và đào tạo, đến năm 2025, toàn thành phố cần 56.512 phòng học. So với số phòng học hiện nay (năm 2022) là 47.623 phòng.

Như vậy, từ nay đến năm 2025, TPHCM cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến THPT.

Đối với việc thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học, tính đến ngày 30-10-2022, còn 12 quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu nói trên.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số đảm bảo tiến độ thực hiện, song thực tế triển khai cho thấy một số vấn đề bất cập.

Cụ thể, thành phố có 10/22 địa phương (tỷ lệ 45%) đã thực hiện đạt chỉ tiêu, còn 12/22 địa phương (tỷ lệ 55%) đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong đó, một số quận, huyện kết quả đạt rất thấp như quận 12 (228 phòng), Gò Vấp (205 phòng), Tân Phú (261 phòng), Bình Tân (282 phòng), huyện Củ Chi (266 phòng), Hóc Môn (211 phòng), Bình Chánh (258 phòng).

Các địa phương chưa đạt chỉ tiêu tập trung ở các khu vực có áp lực gia tăng dân số cơ học mỗi năm luôn ở mức cao.

Hiện nay, cơ sở tính chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân gồm tất cả phòng học trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX cả công lập và ngoài công lập. Do vậy, kết quả chỉ tiêu đạt được của một số quận, huyện còn ở mức thấp và cách tính nêu trên cho thấy việc đạt chỉ tiêu chung 300 phòng học/10.000 dân thiếu tính bền vững.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, xây dựng trường học tại thành phố là hệ quả của việc dân số tăng nhanh, áp lực chỗ học cho con em trên địa bàn dẫn đến quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, số dự án giáo dục - đào tạo đăng ký đầu tư theo nhu cầu lớn, song khả năng cân đối ngân sách thành phố để đầu tư có hạn.

TPHCM: Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về xây dựng trường lớp trên địa bàn ảnh 1 Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) trong một hoạt động ở sân trường

Nhằm gấp rút triển khai xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu, quy mô phát triển giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện thường xuyên rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, trang thiết bị cho các bậc học mầm non, phổ thông trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong tình hình nguồn vốn ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, quỹ đất sạch còn hạn chế nhằm đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Đối với các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh hoặc đang trong quá trình đô thị hóa cao, khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư tránh làm phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực.

Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng để đảm bảo tính khả thi về mặt bằng trong việc có đất "sạch" để triển khai xây dựng các dự án trường học trong thời gian sớm nhất cũng như rà soát, xây dựng lộ trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục theo hướng dồn ghép, xóa các điểm trường lẻ không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho định hướng phát triển ngành giáo dục.

Đối với các sở, ngành và UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm sớm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường; ưu tiên ngân sách để đầu tư tăng thêm phòng học nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa nhanh trên địa bàn quận chịu áp lực cao.

Song song đó, cần xem xét việc phê duyệt định mức diện tích đất bình quân/học sinh nhằm phù hợp với đặc thù riêng của TPHCM trong bối cảnh dân số đông, quỹ đất hạn hẹp đặc biệt là các khu vực trong nội thành để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng hoặc thuê quyền sử dụng khu đất dùng để đầu tư xây dựng, cải tạo vào mục đích thành lập trường, có cam kết sử dụng vào mục đích làm cơ sở giáo dục thời hạn tối thiểu 5 năm, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị có thể xem xét chủ trương cho phép thành lập và cấp phép hoạt động giáo dục với thời hạn cấp phép không quá 5 năm/1 lần.

Tin cùng chuyên mục