TPHCM kiến nghị hàng loạt giải pháp triển khai chương trình GDPT mới

Sáng 21-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM. 

Buổi làm việc về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TPHCM.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, theo kế hoạch ban đầu, giáo viên tiểu học trên địa bàn TP có 15 ngày tham gia bồi dưỡng trực tuyến, sau đó tiếp tục bồi dưỡng trực tiếp với các giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch bồi dưỡng trực tiếp phải dời lại. Hiện nay, TP đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên cốt cán của các quận, huyện, mỗi trường tiểu học một giáo viên cốt cán.

Đầu tháng 5 vừa qua, tất cả trường tiểu học đã hoàn tất lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Tới đây, trong 4 ngày từ 29-7 đến 1-8, giáo viên các trường tiểu học sẽ được tập huấn về SGK. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cả 5 bộ SGK do Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được các trường tiểu học trên địa bàn TP lựa chọn, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là bộ “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Đại diện Sở GD-ĐT TP khẳng định, việc lựa chọn SGK đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

TPHCM kiến nghị hàng loạt giải pháp triển khai chương trình GDPT mới ảnh 1 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu báo cáo một số khó khăn và kiến nghị giải pháp đối với vấn đề tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới

Về công tác tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, TPHCM với lợi thế đã triển khai giảng dạy hai môn tiếng Anh và Tin học đối với bậc tiểu học từ năm 1998. Nếu như trước đây, hai môn học này triển khai theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2. Để triển khai các môn học này, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là tuyển dụng giáo viên do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học. Do đó, trong năm học 2019-2020, một số quận, huyện gặp khó khăn về tuyển dụng như quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng từ bỏ nhiệm sở.

Ngoài việc khó tuyển dụng và khó giữ chân giáo viên tiếng Anh, các trường còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Toàn TP hiện đảm bảo tỷ lệ 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) nhưng không đồng đều ở các quận, huyện. Toàn TP có 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày nhưng tại một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Tân Phú chưa đến 50% do áp lực gia tăng dân số cơ học.

Hiện tại, các cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn trong việc dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới và bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cho cán bộ quản lý và giáo viên của TP.

Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là hai môn Tin học và tiếng Anh. Theo đó, Thông tư 32 về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hai môn tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc, các địa phương cần có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định.

Bên cạnh đó, liên Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính cần có văn bản hướng dẫn việc bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới, trong đó cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo.

TPHCM kiến nghị hàng loạt giải pháp triển khai chương trình GDPT mới ảnh 2 Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) chia sẻ thực tế triển khai dạy học ở các quận, huyện
Về cơ sở vật chất trường học, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), toàn TP hiện có 11 quận, huyện đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày gồm các quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10, Phú Nhuận, Cần Giờ và Nhà Bè. Một số quận, huyện có tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thấp hơn 50% gồm Tân Phú, Bình Tân, quận 12...

Tin cùng chuyên mục