TPHCM kiến nghị 8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải

Ngày 12-7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND TPHCM về hoạt động quản lý thu gom, xử lý rác thải. Tại cuộc họp, đã có 8 kiến nghị được thành phố đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn thành phố.  

Thu gom rác trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thu gom rác trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cụ thể, một là về đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét thẩm định, thông qua đồ án quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt (tháng 9-2021, UBND TPHCM đã trình Bộ Xây dựng đồ án quy hoạch tại Tờ trình số 472/TTr-UBND ngày 9-2-2021 và Công văn số 3509/UBND-ĐT ngày 14-9-2021).

Hai là, về xây dựng định mức, trước đây, các quy định liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Xây dựng ban hành.

Tuy nhiên, hiện nay, tại khoản 5 Điều 79 Luật số 72/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội về Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022 quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này”.

Do đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

TPHCM kiến nghị 8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất 8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn TPHCM

Ba là, về chính sách hỗ trợ Hợp tác xã thu gom rác, để thực hiện chuyển đổi các cá nhân, tổ thu gom rác dân lập sang mô hình hoạt động hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có pháp nhân, kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm, hỗ trợ TPHCM đưa các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và trang bị bảo hộ lao động cá nhân vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sắp ban hành (nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất khi góp ý Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi).

Bốn là, diện tích và khoảng cách an toàn xây dựng trạm trung chuyển kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với trường hợp trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có công nghệ ép rác kín, hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị thì được sử dụng diện tích và dải cây xanh cách ly phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn TPHCM. 

Năm là, về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thuận lợi cho các tỉnh thành trong việc triển khai quy định của Trung ương, UBND TPHCM kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp rà soát để thống nhất trong việc ban hành các quy định: Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của Luật giá. (Khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...; Khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá.

Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11-11-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá (có hiệu lực từ 1-1-2017) quy định UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước).

Sáu là, về pháp lý để xây dựng giá xử lý rác, kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Bảy là, về bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, kiến nghị Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TPHCM vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong năm 2022.

Tám là, về đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, để đảm bảo vấn đề an ninh trong công tác xử lý rác thải, UBND TPHCM kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ về mặt pháp lý để TPHCM có thể đặt hàng đối với khối lượng tăng thêm của các đơn vị đang có hợp đồng xử lý rác của TPHCM nhưng chuyển đổi công nghệ với công suất cao hơn công suất đã ký theo hợp đồng.

Đồng thời, đối với khối lượng phát sinh thêm của TPHCM thì UBND TPHCM được tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nhà nước cho thuê đất nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn) mà không phải thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tin cùng chuyên mục