TPHCM khẩn trương thống kê người lao động mất việc vì Covid-19, dự kiến hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng

Trọng tâm đề xuất hỗ trợ là các DN ngành du lịch, giao thông-vận tải, DN vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Với người lao động, sẽ quan tâm hỗ trợ người lao động ở khu vực phi chính thức, giáo viên công lập, tư thục gặp khó khăn, bị ngừng việc từ 1 tháng trở lên; người có công với cách mạng, thành viên hộ nghèo, cận nghèo và diện bảo trợ xã hội. Khoảng thời gian tính để hỗ trợ là từ tháng 6 đến tháng 12-2021...

Ngày 2-6, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, sở vừa gửi đề nghị khẩn tới các sở ban ngành và UBND TP Thủ Đức, UBND 21 quận, huyện đề nghị nắm tình hình doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục gặp khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của người lao động (NLĐ).

Trước đó, UBND TPHCM đã giao Sở LĐTB-XH TPHCM, Sở Công thương, Sở Du lịch phối hợp rà soát, nắm chắc các khó khăn của DN, các cơ sở sản xuất nhỏ, ảnh hưởng việc làm của NLĐ để có các giải pháp tháo gỡ, chủ động hỗ trợ kịp thời theo gói hỗ trợ của TPHCM (gói hỗ trợ lần 2)

Để có cơ sở tham mưu UBND TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị các sở, ngành khảo sát, thống kê, báo cáo tình hình DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục gặp khó khăn do dịch Covid-19 cho NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ đủ 1 tháng trở lên, mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (gọi tắt là NLĐ bị ngừng việc, mất việc).

TPHCM khẩn trương thống kê người lao động mất việc vì Covid-19, dự kiến hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng ảnh 1 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn trao quà tới người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 tại quận Phú Nhuận trong đợt hỗ trợ lần 1 - năm 2020 của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cụ thể, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần xác định, thống kê và báo cáo số liệu NLĐ bị ngừng việc, mất việc tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM xác định, thống kê và báo cáo số liệu NLĐ bị ngừng việc, mất việc tại các DN hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần xác định, thống kê và báo cáo số liệu giáo viên, nhân viên bị ngừng việc, mất việc tại các sở giáo dục dân lập, tư thục (cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT).

Sở Du lịch, Sở GT-VT, Sở Công thương TPHCM cần xác định, thống kê và báo cáo số liệu lao động bị ngừng việc, mất việc tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong du lịch, vận tải, thương nghiệp.

Sở LĐTB-TPHCM đề nghị LĐLĐ TPHCM chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở phối hợp với DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục xác định, thống kê số liệu NLĐ bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, các sở ban ngành cùng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có báo cáo đánh giá nhanh tình hình khó khăn đối với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo từng ngành, lĩnh vực.

Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị các cơ quan khẩn trương thực hiện và gửi báo cáo về sở trước 15 giờ ngày 7-6 để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM.   

Trao đổi thêm với phóng viên Báo SGGP, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, sau khi khảo sát tình hình DN tạm dừng hoạt động, NLĐ bị ngừng việc, nghỉ việc, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ báo cáo UBND TPHCM và đề xuất hỗ trợ mỗi NLĐ bị ngừng việc từ 1 tháng trở lên với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

“Trọng tâm đề xuất hỗ trợ là các DN ngành du lịch, giao thông – vận tải, DN vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Với NLĐ, sẽ quan tâm hỗ trợ NLĐ ở khu vực phi chính thức, giáo viên công lập, tư thục gặp khó khăn, bị ngừng việc từ 1 tháng trở lên; người có công với cách mạng, thành viên hộ nghèo, cận nghèo và diện bảo trợ xã hội. Khoảng thời gian tính để hỗ trợ là từ tháng 6 đến tháng 12-2021; NLĐ mất việc tháng nào, TPHCM sẽ xem xét, hỗ trợ tháng đó”, ông Lê Minh Tấn cho hay.

Tin cùng chuyên mục