TPHCM: Hơn 63% đơn vị trường học triển khai hiệu quả thanh toán phí không dùng tiền mặt

Sáng 29-1, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt và công khai phân bổ dự toán ngành giáo dục và đào tạo năm 2021”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Phương Liên, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT TP cho biết, việc công khai ngân sách nhà nước năm 2021 nhằm định hướng cho các cơ sở giáo dục thực hiện đúng và đầy đủ việc công khai tài chính theo quy định.

Ngoài ra, công khai ngân sách còn giúp phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, tập thể người lao động và nhân dân trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, trong năm 2021, định mức phân bổ chung đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục thực hiện theo định mức phân bổ chi ngân sách theo đầu học sinh đối với từng cấp học và định mức biên chế đối với các loại hình trường khuyết tật, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, định mức phân bổ ngân sách được giao cho ngành giáo dục trong năm 2021 được quy định như sau: học sinh các lớp nhà trẻ 11.028.000 đồng/học sinh/năm, lớp mẫu giáo 8.763.000 đồng/học sinh/năm, bậc tiểu học 5.073.000 đồng/học sinh/năm, bậc THCS 4.723.000 đồng/học sinh/năm.

TPHCM: Hơn 63% đơn vị trường học triển khai hiệu quả thanh toán phí không dùng tiền mặt ảnh 1 Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) sử dụng thẻ học đường thông minh

Riêng đối với bậc THPT, định mức dành cho học sinh trường THPT công lập là 5.753.000 đồng/học sinh/năm, học sinh trường THPT chuyên là 17.760.000 đồng/học sinh/năm.

Ngoài ra, với các trường trực thuộc và trường dành cho học sinh khuyết tật, định mức phân bổ ngân sách được giao là 108.613.000 đồng/định biên/năm.

Trong đó, định mức chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo được cơ cấu theo tỷ trọng chi cho con người 80% và hoạt động 20%. Trước thực tế cân đối ngân sách còn khó khăn, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách xây dựng dự toán chi thường xuyên, có trách nhiệm đánh giá, rà soát hệ thống các chính sách, chế độ, biên chế, định mức hiện hành làm cơ sở tính toán xây dựng dự toán, đảm bảo theo tinh thần triệt để tiết kiệm.  

Đại diện Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành, hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, công tác nước ngoài…

Số liệu thống kê từ phòng Kế hoạch tài chính cho biết, dự toán kinh phí năm 2021 được giao cho toàn ngành hơn 12,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 103% so với năm 2020. Trong đó, khối giáo dục quận, huyện được giao gần 9,7 tỷ đồng, khối giáo dục TP hơn 2,5 tỷ đồng và khối giáo dục nghề nghiệp (đơn vị trực thuộc Sở) là 503 triệu đồng.

Cũng trong năm 2021, TPHCM tiếp tục áp dụng hệ số định mức cho vùng khó khăn là 1,1 đối với các huyện ngoại thành, riêng huyện Nhà Bè hệ số 1,2 và huyện Cần Giờ là 1,3.

Riêng về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các trường học trên địa bàn TP, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, từ năm học 2014-2015, phụ huynh đã được khuyến khích tham gia các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, sau hơn 6 năm thực hiện, chủ trương khuyến khích đã trở thành quy định bắt buộc căn cứ theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Chính phủ (ngày 23-2-2018) về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công” và Quyết định số 1246/QĐ-UBND (ngày 30-3-2019) của UBND TP với nội dung “Yêu cầu 100% trường học trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động và thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ”.

TPHCM: Hơn 63% đơn vị trường học triển khai hiệu quả thanh toán phí không dùng tiền mặt ảnh 2 Hướng dẫn phụ huynh sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại một trường tiểu học

Giai đoạn đầu thực hiện đề án, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến trong phụ huynh. Đến giai đoạn 2017-2020, ngành giáo dục đã triển khai quản lý các nguồn thu thông qua phần mềm và tổ chức nhiều giải pháp thanh toán điện tử (như qua ứng dụng trên thiết bị di động, thanh toán bằng máy POS, thanh toán qua các điểm thu hộ hoặc quầy ngân hàng, thanh toán bằng máy quét mã vạch…)

Hiện nay, 100% đơn vị trực thuộc Sở (121 trường học) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với tất cả khoản phí, học phí, 21/21 quận huyện và TP Thủ Đức ban hành “Kế hoạch thanh toán không sử dụng tiền mặt trong trường học” thông qua sử dụng phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu.

Kết quả, đã có 887/1.400 cơ sở giáo dục ở các quận, huyện tham gia sử dụng hệ thống quản lý nguồn thu tích hợp thanh toán và hóa đơn điện tử, thuế điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, Sở GD-ĐT TP đã công bố danh sách 5 ngân hàng tham gia dịch vụ tài khoản chuyên thu tại các trường học (không thu phí đối với phụ huynh) gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank).

Tính đến tháng 1-2021, doanh số thu phát sinh qua ngân hàng và các trung gian thanh toán qua hình thức điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng đã đạt 2.200 tỷ đồng (đạt 58% so với tổng dự toán thu 3.807 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục