TPHCM: Học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ đến trường học trực tiếp từ 11-10

Ngày 7-10, thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, bắt đầu từ ngày 11-10, 112 học sinh khối 1 và 2 Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) sẽ quay trở lại trường học trực tiếp một buổi. 
Hiện nay, nhà trường đã tổ chức phun khử khuẩn toàn trường, lau chùi bàn ghế, đồ dùng dạy học, sắp xếp bàn ghế đảm bảo giãn cách, đồng thời sửa chữa những hạng mục nhỏ, nhà vệ sinh, chống mối mọt, rà soát và bổ sung các thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho công tác đón học sinh trở lại trường. 
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý khi tình hình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở giáo dục tiểu học còn lại trên địa bàn TPHCM cần tập trung thời gian dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện dạy học nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định, không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, 100% các trường tiểu học đã thực dạy chương trình tuần 3 của học kỳ 1, lịch dạy học và thời khóa biểu được xây dựng phù hợp với điều kiện của từng lớp, học sinh và nhà trường.

TPHCM: Học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ đến trường học trực tiếp từ 11-10 ảnh 1 Học sinh tiểu học ở TPHCM tham gia học trực tuyến tại nhà

Giáo viên sử dụng các tài nguyên học liệu và kết hợp soạn giảng cho phù hợp, hiệu quả đối với học sinh của lớp chủ nhiệm, đồng thời sử dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong việc thực hiện dạy học trên môi trường internet.

Phòng GD-ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức đã chỉ đạo các trường học rà soát tình hình học sinh tham gia học tập trực tuyến nhằm nắm bắt được số học sinh thiếu thiết bị học tập không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến và những học sinh có ba hoặc mẹ mất vì dịch bệnh Covid-19.

Từ đó, các cấp lãnh đạo đã động viên và trao tặng các vật dụng thiết bị học tập cho học sinh như máy tính bàn, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn nhận được gói an sinh, học bổng nhằm chia sẻ những khó khăn, mất mát, đau thương, giúp các em an tâm hơn trong học tập. 

Hiện tại, các hoạt động dạy học trực tuyến của các nhà trường được tổ chức ổn định và hiệu quả ở các lớp, học sinh các khối đã đi vào nề nếp. Học sinh nắm được cách thức vào học, quen dần với việc sử dụng các thiết bị, biết thực hành làm bài và tương tác với giáo viên trong quá trình học tập.

Đặc biệt đối với các lớp 1 và lớp 2, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, theo dõi, nhắc nhở và giám sát việc học tập của các em. Qua đánh giá, giáo viên đã có nhiều hình thức dạy học trực tuyến linh hoạt theo khung giờ khác nhau để tạo điều kiện cho học sinh được học tập.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp giáo viên chưa sắp xếp hợp lý giữa thời gian tiết học và tinh gọn nội dung cốt lõi bài học. Ngoài ra, còn một số học sinh gặp khó khăn khi không có sự hỗ trợ của phụ huynh (nhất là lớp 1), thiếu thiết bị/đường truyền, tương tác thiết bị học tập chưa nhuần nhuyễn.

Ở góc độ khác, hiện nay hầu hết các trường tiểu học đều đang được trưng dụng làm khu cách ly điều trị F0, điểm đóng quân của bộ đội, nơi chứa và phân phối lương thực cho dân, điểm tiêm ngừa vaccine, điểm y tế lưu động…

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD-ĐT xây dựng dự toán và tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị dạy học theo quy định; xây dựng kế hoạch, thứ tự ưu tiên các trường cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất đúng với các quy định của pháp luật.

Theo thống kê của cơ quan quản lý, bậc THPT có tỷ lệ học sinh học qua internet cao nhất trong các bậc học với 99,8%, kế đến là THCS với 97,9% và tiểu học là 97,73%.

Tin cùng chuyên mục