TPHCM: Hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ

TPHCM đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Từ mức tăng trưởng âm sâu (-24,97% và -11,64%) ở 2 quý cuối năm 2021, đến quý 1-2022 TPHCM đã tăng trưởng đạt 1,88%, cao hơn kỳ vọng và dự báo trước đó. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, về các giải pháp hỗ trợ để phát huy hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Đào Minh Chánh
Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua thời gian dài rất khó khăn do dịch bệnh, TPHCM xác định sẽ hỗ trợ ra sao trong thời gian tới?

Ông ĐÀO MINH CHÁNH: Nhận thức rõ vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong đời sống kinh tế - xã hội, suốt thời gian qua thành phố luôn tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 (được UBND TPHCM ban hành tháng 1), năm 2022 thành phố tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất - kinh doanh...

Mục tiêu giai đoạn này là từng bước khôi phục sản xuất tiến tới lấy lại được nhịp độ sản xuất trước khi dịch bùng phát tại thành phố. Đây không phải mục tiêu đơn giản dễ đạt được. Thực hiện chủ đề năm 2022, Sở KH-ĐT TPHCM xác định tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp việc giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư được nhanh chóng, thuận lợi; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Cải cách hành chính là một trong những nội dung trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2022, sở sẽ chú trọng vấn đề này như thế nào?

Xác định được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, năm 2022, Sở KH-ĐT tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư tại thành phố, chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư cũng như giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Sở KH-ĐT cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời tăng cường các kênh hướng dẫn thủ tục; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, kiến nghị của doanh nghiệp: đầu tư thêm một đầu số tổng đài qua ứng dụng Viber, Zalo bên cạnh các kênh điện thoại cố định, email, cổng thông tin doanh nghiệp. Các kênh này hỗ trợ doanh nghiệp hỏi đáp thủ tục hành chính, tiến độ giải quyết hồ sơ đầu tư, đăng ký kinh doanh.

Cùng với đó là nâng cấp Chương trình phục vụ doanh nghiệp soạn hồ sơ đăng ký kinh doanh tại nhà nhằm cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp công cụ soạn thảo hồ sơ nhanh chóng, tiện lợi và phù hợp với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để đảm bảo việc cải thiện môi trường đầu tư, sở tiếp tục thực hiện đúng cam kết giữa UBND TPHCM và VCCI về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư năm nay cũng sẽ đổi mới hơn so với các năm trước. Đó là đi vào từng vấn đề cụ thể với từng nhà đầu tư cụ thể, thay đổi cách thức tổ chức để thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh. 

Căn cứ nhu cầu thực tế, sở sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM (ITPC) gặp gỡ định kỳ để tháo gỡ khó khăn cho các hiệp hội. Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung các vấn đề: nhà đầu tư cần hỗ trợ gì để mở rộng sản xuất - kinh doanh, sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền thành phố trong hoạt động nối kết đầu tư, mở rộng sang các tỉnh thành khác, thực hiện định hướng liên kết vùng trong hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có doanh nghiệp cho biết khi gặp khó khăn không biết phải tìm sự giúp đỡ ở đâu. Nguyên do của tình trạng này từ đâu và giải pháp khắc phục ra sao? 

Qua lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân từ nhiều kênh, chúng tôi nhận thấy, việc nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Hiện trang web của TPHCM đã tích hợp thông tin từ khoảng 30 sở ngành nhưng từng trang vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Thực tế đặt ra yêu cầu phải tạo cổng thông tin duy nhất để doanh nghiệp dễ dàng truy cập, liên hệ với mạng lưới tư vấn. Đó là giải pháp đầu tiên, cần thiết nhất hiện nay. 

Bên cạnh đó là quy chế phối hợp giữa các sở ngành trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính TPHCM, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Sở Xây dựng phải phối hợp để giải quyết dự án đầu tư. Sở KH-ĐT phối hợp với Cục Thuế TPHCM về thông tin doanh nghiệp, pháp lý doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để doanh nghiệp và các đối tác có thể tìm hiểu thông tin. Đây cũng là một nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính thành phố trong năm nay.

Hiện 98% doanh nghiệp TPHCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần được hỗ trợ. Tới đây sở sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ cụ thể gì? 

Sở KH-ĐT đang hoàn thiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuẩn bị trình UBND TPHCM ban hành. Đề án tập trung cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Đồng thời hỗ trợ thông tin ban đầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, như tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, công nghệ, thị trường… Đề án cũng hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cụ thể là những vướng mắc về thuế, kế toán… Bên cạnh đó là nội dung chính sách về nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nước ngoài và thị trường các tỉnh thành.

Một địa chỉ hữu ích để doanh nghiệp tham khảo thêm thông tin là website của ITPC http://itpc.hochiminhcity.gov.vn/home. Tại đây, với hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố, các thắc mắc của doanh nghiệp sẽ được các sở ngành liên quan trả lời. Website này cũng cung cấp nhiều thông tin tiếp cận thị trường. Khi tham gia nhóm kết nối của ITPC, doanh nghiệp sẽ nhận được các thông tin về hội nghị đối thoại, chính sách quy định mới…

Tin cùng chuyên mục