TPHCM: Giám sát công tác chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình và SGK mới

Chiều 13-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết dẫn đầu, đã có buổi làm việc với UBND quận 9 về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 cho biết, toàn quận có 107 trường, trong đó gồm 58 trường công lập và 49 trường ngoài công lập. Để thực hiện đổi mới chương trình và SGK, quận 9 đã đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, tăng cường hiểu biết cho đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong từng đơn vị, các phòng ban chuyên môn của quận, UBND 13 phường, phụ huynh học sinh và toàn thể xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, qua đó tạo sự tin tưởng và đồng thuận của xã hội về công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

Về công tác lựa chọn SGK, 21 trường tiểu học trên địa bàn quận đã tiến hành lựa chọn SGK lớp 1 trên tinh thần công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của giáo viên trong nhà trường, không có sự áp đặt, định hướng nào từ các cấp quản lý.

Trong đó, đối với 2 môn Toán và Tiếng Việt, 100% trường chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, riêng đối với 6 môn còn lại gồm Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm, có 4 bộ sách được lựa chọn gồm “Chân trời sáng tạo”, “Cánh diều”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và “Cùng học để phát triển năng lực”.

Riêng với môn tiếng Anh, có 10/21 đơn vị chọn sách Family and Friends, 9/21 đơn vị chọn sách I-Learn Smart Start và 2/21 đơn vị chọn sách Explore Our World.

TPHCM: Giám sát công tác chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình và SGK mới ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 báo cáo tình hình chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình và SGK mới

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng GD-ĐT quận 9, giá thành một bộ SGK mới dao động từ 179.000-199.000 đồng/bộ sách gồm 9-10 cuốn, cao hơn rất nhiều so với bộ SGK hiện hành (54.000 đồng với 6 cuốn). Bên cạnh đó, để phục vụ việc học tập, học sinh cần trang bị thêm vở bài tập với giá thành từ 126.000-194.000 đồng/bộ, bộ đồ dùng môn Toán và Tiếng Việt có giá thành 170.000 đồng.

Như vậy, “nếu trang bị đầy đủ SGK và vở bài tập, học sinh nghèo sẽ rất khó khăn trong việc mua sắm trang bị vào đầu năm học”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Ngoài ra, địa phương cũng đang gặp khó trong tập huấn trực tuyến đối với giáo viên lớp 1 do cả ngày các thầy, cô phải giảng dạy trên lớp, chỉ buổi tối về nhà mới có thể học được. Song, do cùng thời điểm có nhiều người truy cập nên thường bị nghẽn mạng, đường truyền yếu, nhất là đối với phần xem video các tiết dạy.

Về kinh phí phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nhiều khoản các trường tiểu học phải chi như mua sắm thiết bị dạy học, SGK, sách giáo viên, sách tham khảo của nhà trường phục vụ cho hoạt động dạy học của giáo viên, tổ chức tập huấn đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên (mua tài khoản 500.000 đồng/năm/người), tổ chức lựa chọn SGK…, nhưng với kinh phí được giao năm 2020 không đủ để thực hiện.  

Tin cùng chuyên mục