TPHCM: Giảm ngập cả về khu vực lẫn mức độ, thời gian

Đầu mùa mưa 2020, TPHCM hứng trận mưa có vũ lượng trên 112mm (vào ngày 27-5) nhưng chỉ 20 tuyến đường xảy ra ngập. Trong khi cũng trận mưa với vũ lượng tương tự diễn ra trong năm 2008 thì TPHCM có đến 126 tuyến đường ngập kéo dài. Điều này cho thấy những nỗ lực chống ngập của TPHCM đã mang lại những kết quả tích cực. Riêng giai đoạn 2016-2020, TPHCM thực hiện nhiều biện pháp công trình, phi công trình giúp kéo giảm mạnh cả về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập lẫn thời gian ngập, đặc biệt xóa hẳn những “rốn ngập” tồn tại dai dẳng nhiều năm.
Công trình cống ngăn triều Phú Xuân (quận 7, TPHCM) thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM” có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Ảnh: CAO THĂNG
Công trình cống ngăn triều Phú Xuân (quận 7, TPHCM) thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM” có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Ảnh: CAO THĂNG

Ngập úng cục bộ vì mưa cực đoan

“Từ khi có máy bơm, ngập úng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhất là đoạn trước chung cư The Manor đã giảm đáng kể”, bà Bảy - một người dân bán nước giải khát nhiều năm tại khu vực này - khẳng định với PV Báo SGGP vào chiều 7-6. Theo bà Bảy, trên đường này, ở đoạn cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vẫn còn xảy ra ngập úng khi mưa. Tuy nhiên, từ vị trí số 180 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) trở về quận 1, dù mưa lớn thì ngay khi mưa tạnh, nước trên mặt đường sẽ nhanh chóng rút hết. Cảnh tượng ngập kéo dài không còn diễn ra như khi chưa có máy bơm hoạt động.

Thông tin thêm về tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, đường Nguyễn Hữu Cảnh đang bị lún, thấp hơn các đường xung quanh nên nước mưa thường đổ dồn về, dễ dẫn đến ngập úng. Trong đó, ở khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động của máy bơm chống ngập thì khi mưa lớn thường ngập 0,3m rồi nước rút sau khi tạnh mưa 15 phút. Tuy nhiên, ở đoạn có máy bơm chống ngập hoạt động, như khu vực trước chung cư The Manor đã nêu, tình trạng ngập đã giảm đáng kể. Bên cạnh giải pháp chống ngập cấp bách bằng hệ thống máy bơm, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang được nâng cấp, cải tạo phần nền, mặt đường bị hư hỏng và khôi phục cao độ thiết kế để vừa chống ngập cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Khi dự án hoàn thành (dự kiến vào tháng 4-2021), tình trạng ngập úng trên tuyến đường này sẽ được giải quyết triệt để.

Theo Sở Xây dựng, từ đầu năm đến nay, TPHCM có 3 trận mưa lớn trên diện rộng, trong đó có trận mưa với vũ lượng hơn 112mm. Đây là những trận mưa cực đoan, cường độ lớn, gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Theo Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020) thì vũ lượng thiết kế theo chu kỳ tràn cống đối với tuyến cống cấp 3 là mưa 75,88mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36mm; kênh, rạch chính cấp 1 là 95,91mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là +1,32m. Trong khi đó, 3 trận mưa lớn trên có vũ lượng 70,6-112,3mm, diễn ra trong vòng chưa đầy 2 giờ, vượt tần suất thiết kế nên gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Vì vậy, khi xảy ra mưa lớn với vũ lượng nói trên, một số tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (quận 2); Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Nguyễn Văn Quá, Lê Văn Lương (quận 12); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… ngập từ 0,1-0,3m. “Mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn, lượng nước không thoát kịp dẫn đến ngập. Tuy nhiên, từ 10-15 phút sau khi mưa tạnh, nước trên các tuyến đường này sẽ rút hết”, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, giải thích thêm.

Theo thống kê, từ đầu mùa mưa đến nay có 22 tuyến đường bị ngập. Tuy nhiên, ở những năm trước, nếu mưa có vũ lượng 112,3mm thì có rất nhiều tuyến đường sẽ bị ngập, như năm 2008 có đến 126 tuyến đường với thời gian nước rút chậm hơn rất nhiều so với hiện nay.

Nguồn: Sở Xây dựng TPHCM


Chống ngập thân thiện với môi trường

Theo đánh giá của UBND TPHCM, trong thời gian qua, các cấp ủy đã quan tâm huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nỗ lực thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ người dân, rõ nhất là qua việc tích cực thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM. “Bằng việc quan tâm thực hiện nhiều giải pháp, hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập ở TPHCM đã giảm đáng kể cả về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập”, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhận xét.

Thông tin thêm về những nỗ lực chống ngập của TPHCM, ông Lê Hòa Bình chia sẻ, trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km² với khoảng 6,5 triệu dân. Cùng với đó là nhiệm vụ cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố. 

Đến nay, TPHCM giải quyết ngập ở 25/36 tuyến đường trục chính, đạt gần 70% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến hẻm, các quận - huyện đã hoàn thành 179/179 tuyến hẻm ngập, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước chính. Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020, thành phố sẽ xóa ngập ở 9/9 tuyến đường (Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, Đường 26 và quốc lộ 50), đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. 

Trong số những tuyến đường, vị trí được giải quyết ngập trong 5 năm qua có những nơi rất đặc biệt, khi từng là “rốn ngập” như: đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, vòng xoay Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, tỉnh lộ 43, quốc lộ 1, đường Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư hoặc khu vực các phường 17, 21, 25 (quận Bình Thạnh)… đã không còn ngập khi có mưa lớn, mưa kết hợp triều cường. 

Ông Lê Hòa Bình cũng đề cập đến những thách thức về công tác chống ngập trong thời gian tới như tốc độ đô thị hóa nhanh, mặt đất tiếp tục lún và đặc biệt là biến đổi khí hậu (TPHCM được xem một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới - PV). Vì vậy, khả năng kiểm soát ngập 100% là điều khó có thể thực hiện được, kể cả ở các quốc gia phát triển. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất. Sở Xây dựng sẽ tham mưu, thực hiện các giải pháp giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết tại trung tâm và một phần lưu vực ngoại vi rộng 550km²; đồng thời tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41km² và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã tổ chức duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước, trong đó ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Công tác này đã hoàn tất, đồng thời sẵn sàng vận hành 1.077 van ngăn triều, 27 trạm bơm (có 58 máy bơm cố định và di động) và vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh) theo quy trình và an toàn, phát huy hiệu quả chống ngập do triều. Đơn vị cũng xây dựng các phương án phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật trong mùa mưa bão năm 2020, trong đó có lĩnh vực thoát nước. Đó là việc tổ chức lực lượng ứng trực mỗi khi có mưa (để vớt rác miệng thu nước), túc trực tại các vị trí có khả năng ngập (để ghi nhận, thông tin kịp thời tình hình ngập và hướng xử lý), vận hành van ngăn triều, vận hành các trạm bơm cố định để thoát nước cũng như phối hợp cảnh báo, hướng dẫn người dân tham gia giao thông qua nơi ngập.

Tin cùng chuyên mục