TPHCM đề xuất chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã trình bày 11 tờ trình, trong đó, có tờ trình về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM.
Sáng 7-4, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề).
Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. 
Đề xuất chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ mồ côi
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã trình bày 11 tờ trình. Trong đó, có tờ trình về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM.
TPHCM đề xuất chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 1 Phó Chủ tịch UBNDTPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại kỳ họp HĐNDTPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo UBND TPHCM, dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn TPHCM đã để lại trên 2.200 trẻ em mồ côi, gần 800 người cao tuổi neo đơn và gần 730 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu các nguồn lực vật chất và tinh thần.
Vì vậy, UBND TPHCM đề nghị chính sách đặc thù nhằm chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn; trường hợp người đã đủ điều kiện hưởng chính sách xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì nhận trợ cấp theo Nghị định, không hưởng chính sách đặc thù của TPHCM.
Đây là chính sách đặc thù để chăm lo, hỗ trợ cho những người yếu thế trên địa bàn TPHCM, nhằm đảm bảo sự công bằng, chia sẻ trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người thụ hưởng là người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách xã hội theo Nghị định 20. Nguyên tắc là mỗi người hưởng một chính sách xã hội, không để bỏ sót, không trùng lắp. Những người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp xã hội hàng tháng không được hưởng chính sách này.
TPHCM đề xuất chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 2 Các ngành chức năng huyện Bình Chánh thăm hỏi, động viên trẻ em mồ côi do dịch Covid-19
Cụ thể, UBND TPHCM đề xuất chính sách hỗ trợ, đối với người cao tuổi đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí và mức hỗ trợ hàng tháng là 480.000 đồng/người/tháng.
Trong khi đó, người trong độ tuổi lao động từ 16 đến 60 tuổi thuộc hộ nghèo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo nhưng chưa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng; trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cũng được đề xuất hỗ trợ hàng tháng 480.000 đồng/người.
Đối với trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên bằng với mức học phí do HĐND TPHCM quy định. Riêng trường hợp trẻ em đang học tại các trường tư thục thì mức hỗ trợ học phí bằng với học phí của trường công lập. Trẻ em được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Mức hỗ trợ hàng tháng dao động từ 480.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng, tùy trường hợp.
Thời gian hỗ trợ từ ngày 1-5-2022 đến hết năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện là gần 61 tỷ đồng.
Hỗ trợ bác sĩ về trạm y tế 60 triệu đồng
UBND TPHCM có tờ trình về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025. Thời gian thí điểm áp dụng thực hiện từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2025.
Theo UBND TPHCM, hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế đóng vai trò quan trọng, là nơi triển khai hầu hết các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Hiện nay, TPHCM có 310 trạm y tế với hơn 2.014 người (thiếu 273 người theo biên chế) bao gồm 1.729 viên chức và 285 lao động hợp đồng. Trong đó, số bác sĩ là viên chức có 276 bác sĩ, 163 bác sĩ hợp đồng và 28 bác sĩ tăng cường do luân phiên, biệt phái từ các đơn vị tuyến trên. Các trạm y tế còn thiếu nhiều chức danh trưởng trạm, phó trạm do chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Đồng thời các trạm y tế chưa thu hút được người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
TPHCM đề xuất chi 61 tỷ đồng hỗ trợ trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn ảnh 3 Bác sĩ Trạm y tế phường 2, quận Tân Bình đang khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Do đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, TPHCM cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế làm việc.
Cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ nhận mức hỗ trợ là 60 triệu đồng trong 18 tháng. Điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế nhận mức hỗ trợ là 30 triệu đồng trong 9 tháng.
Ngoài ra, đối với người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ: Hợp đồng với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đăng trở lên hoặc trung cấp y sĩ: hợp đồng với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
UBND TPHCM còn đề xuất hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị với mức tiền 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Tin cùng chuyên mục