TPHCM đề xuất 9 kiến nghị đối với Thủ tướng

“TPHCM phát triển được, cả nước mới phát triển tốt, nên các bộ ngành với trách nhiệm có các ý kiến, góp ý về đề xuất của TPHCM”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo sở ngành trong buổi làm việc với TPHCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo sở ngành trong buổi làm việc với TPHCM

Sáng 23-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội và một số vấn đề tăng trưởng của TPHCM. 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM đề xuất 9 kiến nghị đối với Thủ tướng và các Bộ ngành Trung ương.

“TPHCM phát triển được, cả nước mới phát triển tốt”

Cùng tham dự có lãnh đạo 14 Bộ, gồm: Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam…

Phía TPHCM tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; các Phó Chủ tịch UBND TP gồm: Huỳnh Cách Mạng, Nguyễn Thị Thu cùng lãnh đạo các sở, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với TPHCM
 Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc xem xét các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra với TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của cả nước.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích những điểm nổi bật, các tồn tại, hạn chế cũng như xem xét, phân tích các kiến nghị của TPHCM đầy trách nhiệm để có giải pháp xử lý nhằm thúc đẩy TPHCM phát triển.

“TPHCM phát triển được, cả nước mới phát triển tốt, nên các bộ ngành với trách nhiệm có các ý kiến, góp ý về đề xuất của TPHCM”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cho biết, trong 6 tháng đầu năm TPHCM đã đạt được một số thành tựu như tăng trưởng (GRDP) đạt 7,68%, cao hơn với cùng kỳ (7,47%). Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu, du lịch… đều tăng trưởng khá. Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung từ đầu năm đến nay là 492.680 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, quý 2-2017, TPHCM thu hút được 2,24 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ.

Về thu ngân sách, trong 6 tháng, TPHCM thu được 173.000 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ.

Trong công tác quản lý trật tự đô thị có chuyển biến tích cực, công tác lập lại trật tự đô thị có kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình; nhiều công trình hạ tầng được khởi công. Tuy nhiên, TPHCM vẫn còn có một số khó khăn, tồn tại như môi tường kinh doanh, sức cạnh tranh chưa đạt yêu cầu; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, quản lý đất đai còn bất cập, các giải quyết bức xúc của nhân dân về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Từ đó, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, TPHCM quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp, cố gắng đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,4-8,7% vào cuối năm 2017; nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh… Ngoài ra, TPHCM tiếp tục đầu tư dự án hạ tằng giải quyết cơ bản ùn tắc, ngập úng, ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh dự án bệnh viện, giảm tải bệnh viên tuyến trên; triển khai các giải pháp mạnh mẽ trấn áp tội phạm.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho TPHCM phát huy vai trò đầu tàu, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, UBND TPHCM kiến nghị một số nội dung”, đồng chí Lê Thanh Liêm nói.

Kiến nghị bổ sung 10.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng

Theo TPHCM, nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách trung ương cấp phát cho TPHCM giai đoạn 2016-2020 của hai dự án trọng điểm của TPHCM là 29.512 tỷ đồng.

Trong đó, dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) là 20.930 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ là 8.580 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí khoảng 39%, khiến các dự án khó hoàn thành đúng tiến độ.

Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ vốn cho hai dự án trên (bổ sung gần 18.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020) để các dự án trên hoàn thành đúng tiến độ, tránh ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.

“Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hàng năm, kiến nghị chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án được thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trước mắt, kiến nghị Thủ tướng xem tạm ứng hơn 3.300 tỷ đồng trong năm 2017 cho dự án tuyến metro số 1”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm nêu ý kiến.

Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị được tiếp nhận 200 triệu Euro từ Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW (Đức) tài trợ cho các gói thầu đường ray, điện cơ hệ thống và tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương (tuyến metro số 2).

Trong việc sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp TPHCM, TPHCM kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề án Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP (HFIC) chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND TP.

Đồng chí Lê Thanh Liêm nói thêm: “Hiện nay TPHCM đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của TPHCM giai đoạn 2016-2020 khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách. Vì vậy, để TPHCM chủ động sử dụng các khoản thu này bố trí cho các dự án đầu tư công mang tính quan trọng, cấp bách nhưng không thể kêu gọi xã hội hóa, kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (do UBND TP làm chủ sở hữu) và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác (do UBND TP làm chủ sở hữu)”.

UBND TP còn kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng từ Trung ương để TPHCM trong giai đoạn 2016 đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Cũng trong giai đoạn này, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.960 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) cho 36 dự án chống ngập cấp bách của TPHCM…

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, qua 2 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM kiến nghị ban hành chính sách phát triển vùng để giải quyết đồng bộ bốn vấn đề cơ bản nhằm khắc phục các bất cập và phát huy hiệu quả cơ chế liên kết vùng; gồm: phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường.

Đồng thời có cơ chế hội đồng vùng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh toàn vùng và tạo điều kiện phát triển hài hoài giữa các địa phương trong vùng, góp phần giảm áp lực tăng dân số cơ học, quá tải các bệnh viện, ùn tắc giao thông… đối với TPHCM. Bởi hiện nay, cơ chế chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên giữa Chủ tịch UBND các tỉnh không phát huy được hiệu quả, khó đảm bảo sự liên kết, sự thực thi các chủ trương, chính sách chung của vùng.

Tin cùng chuyên mục