TPHCM đang quản lý hơn 200.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao

Tính đến 15 giờ 16-3, tất cả 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã báo cáo và lập được danh sách quản lý là 213.773 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi và có bệnh nền); đã thực hiện triển khai xét nghiệm tầm soát cho 102.153 người, qua đó đã phát hiện 1.253 mắc Covid-19...
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Chiều 17-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm, dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 16-3, TPHCM ghi nhận có 576.226 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 575.270 trường hợp mắc trong cộng đồng, 956 trường hợp nhập cảnh.

Hiện, thành phố đang điều trị 5.326 bệnh nhân, trong đó có 384 trẻ em dưới 16 tuổi, 97 bệnh nhân nặng đang thở máy, 2 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16-3 có 742 bệnh nhân nhập viện, 689 bệnh nhân xuất viện, 2 trường hợp tử vong trong ngày.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngày 8-3, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người nguy cơ. Tính đến 15 giờ 16-3, tất cả 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã báo cáo và lập được danh sách quản lý là 213.773 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi và có bệnh nền); đã thực hiện triển khai xét nghiệm tầm soát cho 102.153 người, qua đó đã phát hiện 1.253 mắc Covid-19 và những trường hợp này đã được xử lý theo hướng dẫn.

TPHCM đang quản lý hơn 200.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao ảnh 1 Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại buổi họp báo
Liên quan đến việc mua thuốc Molnupiravir cho người dân tại thành phố, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, đối với thuốc kháng virus và kháng sinh phải có kê toa của bác sĩ. Người F0 có thể sử dụng thuốc Molnupiravir theo kê toa của bác sĩ.

Bệnh nhân Covid-19 có 2 hướng tiếp cận sử dụng thuốc. Đó là sử dụng thuốc miễn phí bằng khai báo qua phần mềm khai báo F0; sau đó trạm y tế xác nhận thông tin và ghi nhận trường hợp F0. Nếu là trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc, trạm y tế sẽ phát thuốc cho người bệnh. Thứ 2 là chọn hướng dịch vụ, người bệnh sử dụng toa của trạm y tế, bác sĩ tại các đơn vị y tế công và tư (bác sĩ chịu trách nhiệm về việc chỉ định sử dụng thuốc cho người dân).

Thông tin về công tác chuẩn bị tiêm vaccine cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) Trịnh Duy Trọng cho biết, hiện ngành giáo dục và ngành y tế đã chủ động phối hợp triển khai công tác chuẩn bị để tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh khi có kế hoạch chính thức của UBND TPHCM.

“Ngành giáo dục đã hướng dẫn các cơ sở lập danh sách học sinh nằm trong độ tuổi tiêm vaccine; tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống tiêm chủng Covid-19; quy trình tổ chức tiêm chủng; cấp tài khoản điểm tiêm cho mỗi cơ sở giáo dục có học sinh tiêm vaccine. Hiện các cơ sở giáo dục đang nhập thông tin của trẻ lên hệ thống tiêm chủng Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã tuyên truyền cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh về những tác dụng, lợi ích của tiêm vaccine phòng Covid-19 và những phản ứng sau tiêm chủng để tạo sự đồng thuận của cha mẹ trẻ”, ông Trịnh Duy Trọng thông tin.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, qua thống kê ở bậc mầm non có 60,49% phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine; khối tiểu học 81,19% và có 87,68% cha mẹ học sinh khối lớp 6 đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19.

Việc tiêm vaccine và tham gia các hoạt động trực tiếp là hai hoạt động độc lập tương đối. Do đó, trẻ không tiêm vaccine sẽ không bị hạn chế việc học tập tại trường và tham gia các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, đối với trẻ chưa được tiêm vaccine thì sẽ có sự quan tâm và biện pháp chăm lo cho các em để làm sao bảo vệ sức khỏe cho các em một cách tốt nhất.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine cho trẻ để tiếp tục nhận được sự đồng thuận của phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine trong thời gian sắp tới.

Tin cùng chuyên mục