TPHCM chưa phát hiện trường hợp tử vong do nCoV

Chiều 3-2, UBND TPHCM họp Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: THÀNH SƠN
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: THÀNH SƠN

Cùng dự cuộc họp còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn TP.

TPHCM chưa phát hiện trường hợp tử vong do nCoV

Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến 17 giờ ngày 3-2, đã có 8 trường hợp xét nghiệm dương tính với nCoV. Trong đó có 2 công dân là cha, con người Trung Quốc xác định nhiễm ngày 23-1.

Hiện người con trai đã khỏi bệnh, người cha sức khỏe đang ổn định. 4 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc trên cùng một chuyến bay CZ 8315 của hãng hàng không China Southern, trong đó có 3 trường hợp đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và 1 trường hợp được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa xác định nhiễm ngày 30-1. Các trường hợp này đã ổn định sức khỏe.

Một công dân Việt Nam sinh sống tại tỉnh Khánh Hòa là lễ tân khách sạn nơi 2 cha con người Trung Quốc lưu trú đã được xác định nhiễm ngày 31-1. Trường hợp cuối cùng là 1 người Việt quốc tịch Mỹ đi từ Mỹ trên chuyến bay 660 của Hãng hàng không China Southern đến quá cảnh tại Vũ Hán 2 giờ, sau đó tiếp tục về TPHCM trên chuyến bay CX8317 của Hãng hàng không China Southern được xác định nhiễm bệnh ngày 31-1.

Hiện số trường hợp nghi ngờ đến từ vùng dịch là 236 trường hợp, trong đó có 163 trường hợp đã xét nghiệm âm tính và 73 trường hợp tiếp tục được cách ly theo dõi tại chỗ do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm nCoV.

Tại TPHCM, đến thời điểm hiện tại có 3 trường hợp nhiễm virus Corona, 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính và 15 trường hợp đang được cách ly do tiếp xúc gần với người nhiễm virus Corona. Hiện TP chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong trên địa bàn.

Hiện Bệnh viện Củ Chi đang cách ly và gửi xét nghiệm 1 ca có địa chỉ tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bệnh nhân từ Vân Nam, Trung Quốc về TPHCM vào ngày 31-1, có dấu hiệu sốt ngày 1-2.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đang cách ly và gửi xét nghiệm 3 ca trong 1 gia đình (địa chỉ ở Bình Tân) từ Quảng Châu trở về ngày 24-1, con ho sốt từ ngày 30-1; cha mẹ ho, không sốt từ ngày 17-1.

Ngành y tế TP cũng đang tiếp tục cách ly, giám sát 8 nhân viên khách sạn và 8 khách còn lưu trú tại khách sạn mà Việt kiều Mỹ ở để theo dõi tình trạng sức khỏe đến hết ngày 15-2; đưa vào Bệnh viện quận 3 để cách ly theo dõi theo chỉ đạo của lãnh đạo TP. Tuy nhiên có 1 người rời khỏi nơi theo dõi, di chuyển đến Campuchia, hiện y tế địa phương đã báo cáo UBND quận 3 và tìm phương án tiếp cận.

Đề xuất xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Sở Y tế đang trình UBND TP “Kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến” tại huyện Củ Chi (300 giường) và huyện Nhà Bè (200 giường). Bệnh viện dã chiến là nơi tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ bệnh nhân nCoV khi tình hình dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Bệnh viện được sử dụng khi số ca mắc nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn TP lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng dung thu điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện TP, quận - huyện. Quy mô bệnh viện 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực gồm 2 cơ sở.
Cơ sở 1 với 300 giường tại Trường quân sự TP (Ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 (số 25, đường Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) có 200 giường và có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.
Nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực (bệnh nhân nặng) của bệnh viện dã chiến được điều động từ các bệnh viện TP như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Trưng Vương. Nhân lực đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh của bệnh viện dã chiến (sàng lọc, chẩn đoán, điều trị...) được điều động từ các bệnh viện lân cận như: Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, quận 7, quận 4, Nhà Bè.
TPHCM chưa phát hiện trường hợp tử vong do nCoV ảnh 1 GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV phải triển khai với phương châm ngăn chặn nguồn gốc dịch bệnh; không để lây lan khi đã có ca bệnh. Muốn vậy, phải kiểm soát, ngăn chặn sớm người có yếu tố nguy cơ; không để tăng số lượng lây nhiễm. Nếu không ngăn chặn trước các yếu tố nguy cơ, để số ca bệnh lây lan thì dù có bệnh viện dã chiến cũng khó ngăn. Phải xác định được những chỗ có nguy cơ, phải cách ly, và những người có tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
TPHCM chưa phát hiện trường hợp tử vong do nCoV ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
"Một trong những nơi cần tập trung giám sát dịch bệnh là các doanh nghiệp, khách sạn, chung cư có người nước ngoài ở, làm việc. Các đơn vị chức năng phải có hướng dẫn các chung cư, khách sạn cách kiểm soát dịch bệnh cục bộ khi có người đến từ vùng dịch. Việc xây dựng bệnh viện dã chiến phải được tính toán hợp lý, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo quyết liệt.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị, Sở Y tế có dự báo tình hình về dịch trên địa bàn TP, xác định đúng những đối tượng cần thiết phải đeo khẩu trang y tế và hướng dẫn cách đeo cho đúng. Ngành y tế phối hợp với ngành công thương để dự báo nhu cầu khẩu trang để nguồn cung đủ theo nhu cầu. 
Về nhiệm vụ tại chỗ của quận, huyện, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trước hết là công tác truyền thông, đảm bảo thông tin đến các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là kiểm tra y tế phường xã, đơn vị chuyên môn y tế của quận huyện để các đơn vị này làm đúng yêu cầu, chức năng giám sát sức khỏe người dân hiệu quả. 
“Quận, huyện phải nắm danh sách những người từ vùng dịch về địa phương mình. Phân cấp trong giám sát ngành y tế phải có hướng dẫn rõ ràng; không để quá tải hoặc tình trạng giám sát không đạt yêu cầu. Các sở, ngành triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV và triển khai đến các đơn vị trực thuộc trong 2 ngày tới. Sở Văn hóa và Thể thao TP rà soát các hoạt động văn hóa, phải tạm ngưng để bảo sự an toàn, sức khỏe cho người dân”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục