TPHCM: Cần sự chủ động của các trường học khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Sáng 23-8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, đại diện các phòng GD-ĐT và cán bộ quản lý các đơn vị trường học đã nêu nhiều băn khoăn khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, theo ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, hiện nay, việc chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 đã hoàn thành ở các trường THPT. Tuy nhiên, nhiều học sinh còn lúng túng trong định hướng nghề nghiệp nên cần có thêm phương án cho học sinh điều chỉnh các môn học vào cuối năm lớp 10 để các em giữ ổn định ở hai năm lớp 11 và 12.

TPHCM: Cần sự chủ động của các trường học khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 1 Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 phát biểu ý kiến tại hội nghị

Nhà giáo này cho biết, trước đây, công tác hướng nghiệp thường được đẩy mạnh ở hai năm lớp 11 và 12. Tuy nhiên, hiện nay, với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng giáo dục nghề nghiệp từ lớp 10, học sinh cần được tạo điều kiện tiếp cận kiến thức cũng như các hoạt động hướng nghiệp từ lớp 6, 7, 8.

Ở góc độ khác, theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở hai khối 6 và 7 đối với bậc THCS. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho việc triển khai chương trình chưa được phân bổ. Phòng GD-ĐT đang yêu cầu các đơn vị trường học rà soát cơ sở vật chất, có kế hoạch sửa chữa, khắc phục khó khăn.

TPHCM: Cần sự chủ động của các trường học khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 2 Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM lắng nghe các ý kiến đóng góp tại hội nghị

Ngoài ra, theo thầy Huỳnh Khương Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), hoạt động trải nghiệm và giáo dục lịch sử địa phương trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có vị trí tương đương một môn học.

“Nếu triển khai giảng dạy các hoạt động này như một môn học thì cần quy định thêm tổ chuyên môn, trong đó có tổ trưởng, tổ phó và trong một đơn vị trường học giáo viên có thể thuộc 2 tổ chuyên môn. Tuy nhiên, việc này còn liên quan chế độ, chính sách cho giáo viên cần được cơ quan quản lý hướng dẫn”, thầy Anh Dũng nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) đề xuất, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động trải nghiệm để có sự thống nhất triển khai giữa các trường, qua đó có sự đồng thuận của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho biết, khi triển khai giảng dạy các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và 7, các trường đã vận dụng tối đa nguồn lực giáo viên trong trường. Tuy nhiên, cần có thêm quy định về chế độ hỗ trợ giúp giáo viên an tâm công tác.

Riêng đối với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong hai đơn vị thực hiện theo mô hình trường chuyên trên địa bàn TPHCM, đơn vị đã thực hiện phương án tổ hợp môn học đối với lớp 10 phù hợp mô hình trường chuyên.

Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là việc lúng túng khi phân công giáo viên giảng dạy, tính chế độ cho giáo viên dạy lớp chuyên, bồi dưỡng đội tuyển khi các quy định cũ đã hết hiệu lực thi hành và Bộ GD-ĐT chưa ban hành thông tư mới.

Liên quan đến việc phân bổ giáo viên triển khai các môn học mới, bà Phạm Nguyễn Trâm Anh, Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, Cục Nhà giáo đang làm việc với các bộ phận chuyên môn để có hướng dẫn cụ thể về phân bổ giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục hướng đến mục tiêu phát huy dân chủ trong cơ sở trường học.

Trong đó, các trường thực hiện tự chủ về thực hiện nhiệm vụ (gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục), tự chủ về tổ chức bộ máy (xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định), tự chủ về nhân sự (xây dựng vị trí việc làm, đề xuất số lượng người làm việc) và tự chủ về tài chính.

Riêng đối với hoạt động trải nghiệm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được quy định 105 tiết được triển khai tương đương một môn học, có kế hoạch bài dạy, phân công thời khóa biểu, kiểm tra, đánh giá học sinh, sổ theo dõi...

Ngoài ra, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được quy định tổ chức 1 buổi/ngày có thể hoàn thành chương trình, nơi có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ, hiện nay, định mức tiết dạy cho giáo viên các môn mới đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên các trường cần phát huy vai trò chủ động trong triển khai chương trình.

TPHCM: Cần sự chủ động của các trường học khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 3 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý các trường một số vấn đề khi triển khai CT GDPT 2018

Hiện nay, đối với khối lớp 10, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức tập huấn giáo viên, song điều quan trọng là các thầy, cô giáo cần thay đổi nhận thức, tránh lên lớp giảng dạy nội dung theo chương trình mới nhưng không thay đổi phương pháp giảng dạy.

“Chương trình mới không triển khai theo hướng truyền thụ kiến thức đơn thuần cho học sinh mà chú trọng hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Để đạt được mục tiêu đó, các trường phải thay đổi nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá, không bám sát ngữ liệu sách giáo khoa mà tập trung đánh giá năng lực học sinh theo mục tiêu chương trình đề ra”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.

Tin cùng chuyên mục