TPHCM: Bố trí thời gian vào học của học sinh phù hợp đặc điểm riêng ở từng khu vực

Ngày 1-11, ghi nhận từ nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cho thấy, giờ vào học buổi sáng đã được thay đổi theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM. Theo đó, trường mầm non và tiểu học có giờ vào học buổi sáng không sớm hơn 7 giờ 30, trường THCS không sớm hơn 7 giờ 15 và trường THPT không sớm hơn 7 giờ.

Tuy nhiên, việc thay đổi thời gian vào học chỉ tập trung ở các quận vùng ven như Gò Vấp, quận 12, huyện Bình Chánh… Riêng các trường ở khu vực nội thành vẫn thận trọng chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Trao đổi với PV Báo SGGP, một phụ huynh có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, lâu nay trường vẫn áp dụng khung giờ tập trung học sinh là 7 giờ 15 có mặt tại trường tham gia thể dục đầu giờ, 7 giờ 30 vào lớp và bắt đầu tiết học đầu tiên.

“Hiện tại, trường vẫn giữ nguyên khung giờ tập trung học sinh vì không chênh lệch nhiều so với chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM. Một lý do nữa là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xuyên kẹt xe vào buổi sáng nên tôi nghĩ việc điều chỉnh thời gian tập trung học sinh muộn hơn 15 phút không cần thiết, quy định hiện tại đã đảm bảo việc đưa đón và đi làm của phụ huynh”, phụ huynh này cho biết.       

Trường hợp khác, một phụ huynh có con đang học lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết, trường giữ quy định thời gian tập trung buổi sáng là 6 giờ 45.

Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết, học sinh có mặt tại trường lúc 6 giờ 45 để tham gia thể dục buổi sáng. Sau đó, đúng 7 giờ các em bắt đầu tiết học đầu tiên.

Theo giải thích của lãnh đạo các trường, việc lùi thời gian vào học buổi sáng một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đón của phụ huynh, tuy nhiên mặt khác cũng tạo thêm áp lực cho các trường trong việc bố trí giáo viên quản lý học sinh đầu giờ vì nhiều trường hợp học sinh đã có mặt ở trường từ 6 giờ sáng.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, nếu cho học sinh lên lớp trước giờ vào học sẽ tăng nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường, học sinh té ngã do va chạm.

Trong khi đó, chọn phương án cho học sinh sinh hoạt tự do ở sân trường đòi hỏi phải bố trí lực lượng giám thị, bảo vệ hoặc giáo viên bộ môn hỗ trợ giám sát học sinh, không cho các em di chuyển lên các phòng học khi chưa có giáo viên vào lớp.

Ngoài ra, việc lùi thời gian vào học buổi sáng buộc các trường phải cân đối lại thời khóa biểu giữa các lớp học 1 buổi/ngày và lớp học 2 buổi/ngày nhằm đảm bảo thời gian nghỉ trưa cho giáo viên, đồng thời tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường vào cuối giờ học buổi chiều.

Đặc biệt, với các trường học trú đóng trên địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp, quyết định lùi giờ vào học khó thực hiện vì phần lớn phụ huynh là công nhân có nhu cầu gửi con từ khá sớm.

TPHCM: Bố trí thời gian vào học của học sinh phù hợp đặc điểm riêng ở từng khu vực ảnh 1 Trẻ mầm non tham gia hoạt động tại lớp ở quận 3

Nhiều ý kiến cho rằng việc trẻ ngủ gật trên đường đến trường là do thói quen đi ngủ muộn của nhiều gia đình, lịch học thêm quá dày đặc khiến các em không đủ thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể tái tạo năng lượng.

Vì vậy, việc điều chỉnh thời gian vào học buổi sáng chỉ là cách thay đổi ở phần ngọn chứ chưa giải quyết tận gốc vấn đề đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Trước đó, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, tùy thuộc vào vị trí, tình hình giao thông, các trường học sắp xếp, bố trí hợp lý thời gian vào học của học sinh, tuy nhiên phải đảm bảo mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 sáng.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu, các trường bố trí giờ vào học, giờ ra về lệch ca giữa các khối lớp để đảm bảo việc đưa đón của phụ huynh, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho học sinh nhưng vẫn hoàn thành chương trình học.

Tin cùng chuyên mục