TPHCM: Bệnh viện dã chiến số 13 và 16 được chọn làm Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19

Chiều 29-7, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức đã cùng đoàn đi khảo sát một số bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 để khẩn trương xây dựng Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng.

Đoàn Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM khảo sát địa điểm đặt Trung tâm Hồi sức Covid-19
Đoàn Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM khảo sát địa điểm đặt Trung tâm Hồi sức Covid-19

Đoàn đã khảo sát Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) quy mô 5.000 giường bệnh, hiện đang có hơn 4.000 trường hợp Covid-19 điều trị. Tất cả các bệnh nhân tại đây đều có bệnh lý nền, trong đó 50 bệnh nhân thở oxy.

Đoàn cũng đã khảo sát tiến độ xây dựng Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Tại đây, nhiều dãy nhà đang được khẩn trương hoàn thành.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, về cơ sở vật chất, Trung tâm Hồi sức cần nhất là mặt bằng thông thoáng có thể cấp khí y tế vào. Tại mỗi phòng điều trị có thể điều trị cho 30 bệnh nhân. Đối với quy mô 500 giường bệnh, ít nhất cần 100 giường được trang bị thở máy, 100 giường thở oxy liều cao.

“Cơ sở vật chất đang được thiết lập tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 13 phù hợp để xây dựng Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Tuy nhiên, để sớm đưa vào hoạt động, bệnh viện cần được UBND TPHCM và ngành y tế thành phố hỗ trợ thêm nhân lực khối hậu cần. Bệnh viện Việt-Đức sẽ chi viện đội quân tinh nhuệ là những bác sĩ hồi sức, điều dưỡng có khả năng thiết lập thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh”, GS.TS Trần Bình Giang thông tin.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Y tế về việc cử lãnh đạo của 3 bệnh viện hạng đặc biệt, trong đó có Bệnh viện Việt-Đức vào TPHCM để thành lập 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19, mỗi trung tâm có quy mô 500 giường, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã họp khẩn.

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã chỉ đạo phải tích cực phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương, tạo điều kiện tối đa để sớm đưa vào hoạt động các Trung tâm Hồi sức Covid-19.

Đối với nhân sự hậu cần, TPHCM đã có phương án điều động nhân lực. TPHCM mong muốn giữa địa phương và Trung ương có sự gắn kết, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, giúp TPHCM nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.

* Cũng trong chiều 29-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đã đi khảo sát Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 (16 Đào Trí, quận 7) để chuẩn bị thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại đây với quy mô 500 giường.

Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 do Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận, vận hành vừa đi vào hoạt động hôm qua (ngày 28-7). Cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trước khi đưa đến bệnh viện đã được tập huấn kỹ phương pháp tiếp nhận, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Tổng quy mô của bệnh viện lên đến gần 3.000 giường với 350 đầu oxy. Ngoài đầu ô xy, bồn oxy lớn trữ sẵn thì còn có 20 máy thở chuyên dụng. Đội ngũ y bác sĩ cũng đã sẵn sàng.

Sau khi trực tiếp kiểm tra từng phòng dành cho bệnh nhân, đặc biệt khảo sát kỹ khu cách ly, cấp cứu, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, cơ bản cơ sở vật chất, không gian ở Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 tốt. Việc trang bị phòng ốc khá đảm bảo, đủ điều kiện làm Trung tâm hồi sức Covid-19 tại đây. Tại đây đã có 350 đầu oxy rồi, cần quan tâm thêm đến khí nén - điều rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Khi Bệnh viện dã chiến số 16 được nâng lên thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 thì Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cung ứng, hỗ trợ thêm các chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực hồi sức. Bộ Y tế luôn quan tâm đặc biệt đến công tác này”, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn thông tin.

TPHCM: Bệnh viện dã chiến số 13 và 16 được chọn làm Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 ảnh 1 Đoàn công tác Bộ Y tế đi khảo sát Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16

Theo GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại đây sẽ được đầu tư máy móc và nâng dần từ 100 lên 300 rồi 500 giường. Điều trị trong môi trường đặc biệt thì việc chăm lo, bảo hộ cho y bác sĩ cần đảm bảo tốt. Cần có các khu nghỉ tập trung (nhà nghỉ, khách sạn) dành cho thầy thuốc. Nếu không may có ca nhiễm thì chỉ cần khoanh vùng khách sạn đó lại, không lây nhiễm chéo đi đâu được. Bảo đảm “một con đường hai điểm đến”. Đến bệnh viện rồi quay về khu nghỉ. Lo đời sống tốt cho y bác sĩ để chiến đấu bền bỉ với dịch bệnh là quan trọng.

Để Trung tâm hồi sức Covid-19 nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề xuất, 30 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 nên có phương án chuyển đi nơi khác. Đồng thời bệnh viện tạm dừng nhận bệnh nhân để tức tốc thi công, nâng cấp thành Trung tâm hồi sức Covid-19. Dự kiến việc nâng cấp cần 5 ngày.

Tin cùng chuyên mục