TPHCM: 8 giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú, thành phố đã xây dựng đề án “Phát triển xuất khẩu TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Theo đó, đề án lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...); đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, tận dụng cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu, chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng cạnh tranh; phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TPHCM trở thành trung tâm logistics (Logistic Hub) và dịch vụ xuất khẩu vùng. 

Một trọng tâm khác, đó là phát triển nguồn nhân lực, cải tiến dịch vụ hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu liên thông và dùng chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực. 

Thực hiện chiến lược trên, thành phố sẽ tập trung vào 8 giải pháp:

(1) Nâng cao trình độ kỹ thuật ngành cơ khí, tạo nền tảng chuyển dịch sang những ngành có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa cao hơn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước...

(2) Nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm dịch vụ phần mềm, nội dung số, tài chính, du lịch...

(3) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Thu hút và hỗ trợ dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ cho sản phẩm điện - điện tử. Xây dựng và triển khai Đề án Mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Saigon Innovation Network trong Khu Công nghệ cao thành phố.

(4) Nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu truyền thống thâm dụng lao động. Phát triển thị trường cung ứng đầu vào bao gồm cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và các dịch vụ giá trị gia tăng.

(5) Hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics của thành phố.

(6) Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thương mại gắn với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tiêu biểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

(7) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và rút ngắn quy trình để giảm chi phí bằng với các nước trong khu vực; thực hiện các giải pháp tiếp tục cắt giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; giảm 50% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

(8) Phối hợp các cơ quan nghiên cứu trường, viện... đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục