TPHCM: 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ internet đủ dùng

Ngày 28-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố các chỉ số sẵn sàng về công nghệ giáo dục tại các cơ sở trường học trên địa bàn thành phố.

Theo đó, chỉ số sẵn sàng về công nghệ giáo dục được đánh giá bằng 6 trụ cột chính gồm quản lý trường học, giáo viên, học sinh, thiết bị, kết nối và tài nguyên số.

Về công tác quản lý trường học, 88% trường học trên địa bàn TPHCM đã có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học.

Trong đó, 84% nhà trường đảm bảo học sinh có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với các chức năng máy tính cơ bản, 82% học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp.

Đặc biệt, khảo sát còn cho biết 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ vào sử dụng công nghệ thông tin.

Về đội ngũ giáo viên, 77% giáo viên cho biết rất tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp, 73% giáo viên sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh và 64% giáo viên tham gia sử dụng các tài nguyên dùng chung trên internet.

Tuy nhiên, mới có 27% giáo viên sử dụng các công cụ kỹ thuật số để quản lý lớp học và 34% giáo viên yêu cầu học sinh tìm kiếm thông tin bằng các thiết bị kỹ thuật số.

Về học sinh, trong khuôn viên lớp học, học sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật số nhiều nhất vào việc tìm kiếm thông tin bài học (30%), kế đến là trao đổi với các học sinh khác về dự án của mình và chuẩn bị tài liệu, bài trình bày hoặc video (26%).

Ngoài ra, có 24% học sinh chia sẻ kết quả bài tập với các học sinh khác. Hoạt động ít được học sinh thực hiện nhất tại lớp thông qua thiết bị kỹ thuật số là đánh giá thông tin sau khi tìm kiếm (20%).

Riêng đối với các hoạt động ngoài lớp học, có 70% học sinh tìm kiếm thông tin trên internet để thực hiện bài tập ở trường ít nhất một lần/ tuần.

Có 83% học sinh giao tiếp với giáo viên thông qua mạng xã hội, 59% học sinh sử dụng các ứng dụng/trang web học tập, 42% học sinh làm bài tập về nhà trên thiết bị kỹ thuật số.

TPHCM: 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ internet đủ dùng ảnh 1 Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) sử dụng thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ quá trình học tại lớp

Về thiết bị, hiện nay, 67% trường học có đủ số lượng thiết bị kỹ thuật số để phục vụ giảng dạy, 93% thiết bị trong trường học được báo cáo là đang hoạt động bình thường.

Trong đó, 54% giáo viên cho biết các thiết bị kỹ thuật số có sẵn ở trường được sử dụng trong lớp học ít nhất 1-2 lần/tuần.

Tuy nhiên, mới có 4% trường học có các thiết bị kỹ thuật số được điều chỉnh để phục vụ học sinh khuyết tật.

Về kết nối, kết quả đáng ghi nhận là hiện nay 100% trường học trên địa bàn TPHCM đã kết nối internet, tuy nhiên mới có 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ internet đủ dùng, trong đó có 67% nhà trường kết nối internet ổn định.

Về tài nguyên số, 74% hiệu trưởng đồng ý rằng trường học của họ được tiếp cận đủ tài nguyên học tập kỹ thuật số. Tuy nhiên, chỉ có 42% giáo viên cho biết các tài nguyên số được liên kết với sách giáo khoa, 35% giáo viên sử dụng trò chơi học tập kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, khảo sát các chỉ số sẵn sàng về công nghệ giáo dục cũng cho thấy sự khác biệt giữa trường học ở hai nhóm khu vực thành thị và nông thôn.

Trong đó, công tác hỗ trợ quản lý trường học và chiến lược phát triển trường học ở khu vực thành thị có kết quả thực hiện tốt hơn khu vực nông thôn.

Ngoài ra, niềm tin vào năng lực bản thân đối với việc sử dụng công nghệ thông tin của học sinh thành thị cũng cao hơn nông thôn.

Giáo viên các trường học ở khu vực nông thôn chưa thật sự tin tưởng vào khả năng thực hiện các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin của học sinh khi không có sự hỗ trợ (như mở tab, xem lại trang web, xác thực thông tin).

Từ thực tế đó, ngành giáo dục và đào tạo khuyến nghị một số giải pháp cần tăng cường thực hiện trong thời gian tới như cải thiện tính nhất quán và đảm bảo chất lượng của chiến lược công nghệ giáo dục; đặt giáo viên và học sinh vào vị trí trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục; ưu tiên mua sắm, phân phối và sử dụng hiệu quả các thiết bị kỹ thuật số trong trường học; tăng cường sử dụng hiệu quả các tài nguyên số; tận dụng thế mạnh về quản lý trường học; thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn…

Tin cùng chuyên mục