TP Thủ Đức kiến nghị bố trí ngân sách dự phòng cho các phường

Sáng 7-9, đoàn giám sát HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM ở TP Thủ Đức. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì buổi giám sát.

Báo cáo với đoàn giám sát, Trưởng phòng Nội vụ Phạm Hoa Mai cho biết, được sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TPHCM, ngay sau khi thành lập, UBND TP Thủ Đức đã nỗ lực sắp xếp, tổ chức bộ máy đi vào hoạt động nhanh chóng, ổn định. Duy trì các hoạt động thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

TP Thủ Đức cũng chủ động rà soát và nghiên cứu các quy định để đề xuất các nội dung phân cấp, ủy quyền từ TPHCM, cũng như các vấn đề cần đề xuất Trung ương để có những điều chỉnh, chỉ đạo triển khai phù hợp với điều kiện phát triển của TP Thủ Đức; hoàn thành việc tham mưu đề xuất Thành ủy TPHCM dự thảo Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần làm tinh gọn bộ máy, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp. UBND TP Thủ Đức cũng đã phân cấp, ủy quyền cho UBND phường, ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP Thủ Đức theo quy định pháp luật. Cụ thể, UBND TP Thủ Đức đã kịp thời ban hành 19 quyết định ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND TP Thủ Đức ký thừa ủy quyền Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và đóng dấu UBND TP Thủ Đức.

Bên cạnh những thuận lợi, sau sắp xếp TP Thủ Đức còn gặp không ít những khó khăn. Cụ thể, thực tiễn của quá trình vận hành TP Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Đó là lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của TP Thủ Đức để phát triển đúng theo định hướng là đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ.

Điều này đòi hỏi TP Thủ Đức cần sớm được tạo điều kiện về cơ chế hoạt động có tính chất ưu việt hơn từ Trung ương và TPHCM để đảm bảo vận hành theo mô hình chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước đạt được hiệu quả. 

Trong khi đó, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, nhất là việc hỗ trợ về nguồn lực để chuẩn bị cho việc thực hiện các nội dung dự kiến phân cấp, ủy quyền. Hiệu quả của công tác phối kết hợp với các sở ngành TPHCM chưa cao, nhất là trong việc mạnh dạn phân cấp các nội dung có tính chất quan trọng, đột phá cho TP Thủ Đức. 

Báo cáo thêm với đoàn công tác, Trưởng phòng Nội vụ Phạm Hoa Mai cho biết, TP Thủ Đức có tới 7 phường trên 50.000 dân. Cũng như các địa phương khác, số cán bộ công chức chuyên trách và không chuyên trách các phường dù rất nỗ lực nhưng vẫn khó đáp ứng với khối lượng công việc lớn như vậy. Trong giao biên chế, UBND TP Thủ Đức đã chủ động cân nhắc giảm công chức ở các phường ít dân để tăng cường cho các phường đông dân. Song, số lượng tăng cường cũng không đáng kể vì phải tuân thủ theo Nghị định 34  (phường loại 1 tối đa 23 biên chế, phường loại 2 tối đa 21 biên chế).

Trong khi đó, cán bộ không chuyên trách thu nhập rất thấp, thời gian qua, số lượng cán bộ không chuyên trách ở các phường biến động liên tục. Trong một quý, có tới 20 cán bộ công chức không chuyên trách thôi việc.

Qua đó, TP Thủ Đức kiến nghị UBND TPHCM kiến nghị Trung ương xem xét quy định về số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng xem xét đến quy mô dân số để bố trí biên chế phù hợp thực tiễn ở cơ sở đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Cụ thể, đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ 15.000 dân được tăng thêm 1 công chức.  

Ngoài vấn đề nhân sự ở các phường, Trưởng phòng Tài chính TP Thủ Đức Lê Tấn Hồng còn cho rằng hiện các phường rất khó khăn trong vấn đề ngân sách. Theo ông Lê Tấn Hồng, có thể không để lại kết dư cho các phường nhưng phải có ngân sách dự phòng để các phường chi các vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề cấp bách. Bởi theo quy định hiện nay, nếu có phát sinh ngân sách thì các phường phải tổng hợp để Phòng Tài chính báo cáo UBND TP Thủ Đức trình HĐND TP Thủ Đức duyệt.

"Một vài phường thì không sao nhưng Thủ Đức có tới 34 phường với những phát sinh khác nhau. Để tổng hợp, trình và được duyệt rất lâu, trong khi có những việc khẩn cấp phải dùng đến ngân sách ngay. Chẳng hạn, trên địa bàn có xảy ra thiên tai, hoả hoạn, lãnh đạo phường xuống thăm hỏi, hỗ trợ thì phải có kinh phí. Lúc cấp bách đó mới trình xin thì đến bao giờ? Nếu triển khai nhanh thì người dân yên tâm, tạo được niềm tin trong nhân dân, họ đâu quan tâm mình có kinh phí hay không, chỉ quan tâm sự kịp thời. Mà những việc này, không thể đòi hỏi Chủ tịch UBND phường phải bỏ tiền túi ra để thực hiện”, ông Lê Tấn Hồng dẫn chứng. 

Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị được bố trí thêm cấp phó ở Thành ủy, HĐND, UBND TP Thủ Đức và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; đề xuất TPHCM chỉ đạo Sở GD-ĐT sớm trình ban hành Đề án và Quyết định giải thể các Trường Bồi dưỡng giáo dục quận - huyện; sớm có chủ trương sáp nhập đối với 3 Công ty dịch vụ công ích quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhận xét, thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, so với các phường của các quận, 34 phường của TP Thủ Đức có nhiều thuận lợi hơn trong dự toán ngân sách. Cụ thể, các phường ở các quận, muốn điều chỉnh dự toán ngân sách phải trình HĐND TPHCM còn các phường ở TP Thủ Đức thì chỉ trình đến cấp HĐND TP Thủ Đức. Đồng chí tin tưởng trong quá trình lãnh đạo, điều hành của  HĐND, UBND TP Thủ Đức đối với cấp dự phòng ngân sách của các phường sẽ thuận lợi hơn và sẽ có những cải thiện. 

TP Thủ Đức kiến nghị bố trí ngân sách dự phòng cho các phường ảnh 1 Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Về nhiệm vụ sắp tới, đồng chí Nguyễn Văn Dũng yêu cầu các phường triển khai cung cấp thông tin liên quan đến người dân, nhất là các thông tin giải quyết tố cáo, khiếu nại của người dân trên các trang thông tin của địa phương. Cùng với đó, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính để giảm áp lực cho cán bộ, công chức cũng như giải quyết câu chuyện trụ sở nhỏ hẹp hiện nay; tiếp tục đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 131 để có những đề xuất sát thực tiễn. 

Đồng chí cũng lưu ý HĐND TP Thủ Đức nắm bắt sâu rộng tình hình cử tri trên địa bàn và kịp thời giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền của mình, góp phần trong quá trình điều hành của UBND TP Thủ Đức cũng như 34 phường được thuận lợi.

Song song với phát huy các mối quan hệ, phối hợp với các sở ngành TPHCM trong triển khai thực hiện chính quyền đô thị; mạnh dạn trong phân cấp uỷ quyền cho các phường triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tham gia ý kiến tại buổi giám sát, đại biểu (ĐB) Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM khẳng định, thời gian qua, người dân than phiền nhiều về việc TP Thủ Đức chậm giải quyết hồ sơ, thủ tục. Song, qua đi khảo sát thực tế, Tổ ĐB HĐND TPHCM đơn vị TP Thủ Đức ghi nhận sự nỗ lực của cán bộ, công chức. Hầu hết cán bộ, công chức trên địa bàn đi làm sớm, về muộn để giải quyết khối lượng hồ sơ rất lớn của người dân. 

Dù vậy, ĐB Cao Thanh Bình đề cập đến một số tồn tại và cho rằng các sở, ngành chưa thực sự vào cuộc trách nhiệm trong việc phối hợp với TP Thủ Đức giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Đơn cử như việc quản lý, sử dụng các tài sản, công sở, cơ sở vật chất sau sáp nhập, đại biểu cho biết rất xót ruột khi nhiều tài sản chưa được sử dụng. ĐB dẫn chứng trụ sở UBND quận 9 cũ được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khang trang, hiện đại nhưng đang bị bỏ hoang, lãng phí rất lớn. “Khi sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức, người dân rất mong đợi vào sự phát triển. Nhìn các trụ sở cũ được khai thác hiệu quả thì người ta thấy dòng tiền được tái đầu tư. Còn nếu bỏ hoang, không sử dụng thì phải mất thêm tiền để bảo trì”, ĐB Cao Thanh Bình bày tỏ và đặt câu hỏi để tồn tại tình trạng trên là do sự chậm trễ của các sở, ngành, TP Thủ Đức hay do cơ chế chung?

Cũng theo ĐB Cao Thanh Bình, có một số vụ việc kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ, TP Thủ Đức đã báo cáo và nêu chính kiến rõ ràng, vấn đề còn lại là các sở, ngành tham mưu cho UBND TPHCM nhưng mãi không thấy tham mưu. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của TP Thủ Đức đang là vấn đề rất đáng lưu tâm. Trong đó, TP Thủ Đức đã tạm ứng khoản kinh phí khá lớn cho phòng chống dịch Covid-19 nhưng hiện vẫn chưa được thanh toán lại để TP Thủ Đức đảm bảo nguồn thu – chi từ đây đến cuối năm.

Theo ĐB, khi đi xuống các phường mới thấy, đường sá không chỉ là ổ gà mà hiện đã thành ổ voi, không thể đi lại được. Dù các địa phương kích cầu du lịch, nhiều nơi của TP Thủ Đức phát triển du lịch sinh thái, khách đến rất đông nhưng họ không trở lại lần 2 vì đường sá quá xấu, rất khó đi. Muốn cải thiện thì phải có nguồn ngân sách để phê duyệt các dự án. Do đó, ĐB cũng kiến nghị các sở, ngành quan tâm để hỗ trợ TP Thủ Đức thực hiện tối đa các đầu việc. 

Liên quan đến ý kiến của ĐB về việc bỏ hoang trụ sở UBND quận 9 cũ, Chánh văn phòng UBND TP Thủ Đức Võ Tấn Quan cho biết, hiện TP Thủ Đức đã lên phương án, dự kiến sẽ bố trí trụ sở này làm tòa nhà Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp - Xúc tiến đầu tư. Nội dung này TP Thủ Đức đã lấy ý kiến các sở, ngành và trình đề án lên UBND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục