TP Hồ Chí Minh: Nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến

Hôm qua 6-9, gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trên địa bàn TPHCM đã bước vào ngày học chính thức đầu tiên của năm học mới. Ghi nhận chung tại nhiều trường học cho thấy đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng, học sinh không đăng nhập được vào phần mềm trực tuyến khiến việc học bị ảnh hưởng.
TPHCM chuẩn bị nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến
TPHCM chuẩn bị nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến

Chuẩn bị sẵn phương án dự phòng

Trong buổi học đầu tiên vào buổi sáng, ghi nhận chung tại nhiều trường THPT như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); Bùi Thị Xuân, Lương Thế Vinh (quận 1) cho thấy, nhiều lớp học trực tuyến không thể bắt đầu đúng thời gian quy định do học sinh không thể đăng nhập vào phần mềm dạy học. Nhiều trường hợp học sinh đăng nhập thành công vào lớp học trực tuyến nhưng liên tục bị “văng” ra do hệ thống quá tải khi có nhiều tài khoản cùng đăng nhập trong một thời điểm. Theo phản ánh của nhiều giáo viên, do lớp học liên tục bị gián đoạn nên các thầy, cô phải chuyển qua phần mềm dạy học khác. 

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho biết, sáng 6-9 đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng tạm thời khi học sinh và giáo viên sử dụng phần mềm dạy học K12 online. Tuy nhiên, nhà trường đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án dự phòng như dạy học qua Zoom, Google Meet… Ngay khi xảy ra sự cố, các thầy, cô giáo đã chủ động hướng dẫn học sinh tham gia lớp học bằng các phần mềm khác. Song song đó, đơn vị cũng triển khai hệ thống quản trị trực tuyến nhằm theo dõi tình hình học tập của học sinh cũng như công tác dạy học của giáo viên. 

Đây là cơ sở quan trọng để ổn định hoạt động dạy học trong những tuần tới. Tương tự, tại Trường THPT Tân Phong (quận 7), trước khi bắt đầu các tiết học trực tuyến, giáo viên bộ môn đã gửi tài liệu học tập qua mail, các phần mềm dạy học trực tuyến hoặc nhóm trò chuyện qua internet (Facebook, Viber, Zalo…) để học sinh nghiên cứu giúp các em chủ động trong việc tham gia lớp học.
Trong khi đó, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) triển khai dạy học bằng phần mềm Google Meet. Thống kê sau ngày học trực tuyến đầu tiên cho thấy, số lượng học sinh không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến chiếm tỷ lệ không đáng kể. Cụ thể, có khoảng 15 trường hợp gặp khó khăn do gia đình không có thiết bị hoặc đường truyền mạng phù hợp. Đối với những trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm sẽ chủ động liên hệ với phụ huynh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) không dùng chung một phần mềm dạy học mà trao quyền chủ động cho giáo viên. Ở mỗi lớp học, các thầy, cô giáo dựa vào điều kiện thực tế để lựa chọn công cụ dạy học phù hợp. Sau ngày học đầu tiên, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt khoảng 90%. Những học sinh không tham gia học trực tuyến sẽ được hỗ trợ tài liệu giấy thông qua lực lượng tình nguyện viên để không gián đoạn quá trình học tập.
Kết hợp nhiều nguồn học liệu
Liên quan đến việc cung ứng sách giáo khoa (SGK), đại diện Trường THPT Tân Phong chia sẻ, đơn vị sẽ trao tặng 3 suất hỗ trợ gồm SGK và “combo” dụng cụ học tập (tập trắng, viết bi xanh…) cho mỗi lớp học, áp dụng chung cho cả ba khối 10, 11 và 12. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn quỹ khuyến học của đơn vị. Ngoài ra, trong quá trình tham gia học tập trực tuyến từ đây đến cuối học kỳ 1, học sinh gặp khó khăn về máy móc, thiết bị có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ kịp thời.
Đối với khối 6, do năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, SGK ở tất cả môn học đều được thay mới. Vì vậy, nếu chưa kịp trang bị sách giấy, học sinh sẽ được các thầy, cô hướng dẫn sử dụng SGK điện tử được đăng tải công khai và hoàn toàn miễn phí trên website trường hoặc các nhà xuất bản. Đại diện các trường cho biết, phụ huynh không cần quá lo lắng nếu học sinh chưa có SGK, thay vào đó nên chủ động liên hệ giáo viên để được hỗ trợ các nguồn học liệu phù hợp.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều phương án dự phòng khi dạy học trực tuyến ảnh 1 Chuẩn bị SGK đưa đến nhà học sinh của trường THCS Chi Lăng, quận 4, sáng 6-9. Ảnh: CAO THĂNG
Song song với việc hỗ trợ thiết bị, tài liệu học tập cho học sinh, nhiều trường cũng triển khai các chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học cho giáo viên. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho biết, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 1-2 trường hợp/trường học nhưng nếu không kịp thời quan tâm đội ngũ sẽ ảnh hưởng tâm lý chung của cả tập thể sư phạm, từ đó gián tiếp giảm thiểu hiệu quả quá trình dạy học. Do đó, một số đơn vị đã tổ chức các chương trình vận động mạnh thường quân trao tặng laptop đã qua sử dụng hoặc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ giáo viên mua laptop theo hình thức trả góp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về thiết bị cho chính đội ngũ giảng dạy.

Tin cùng chuyên mục