TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Ngày 8-11, Thường trực HĐND TPHCM giám sát về triển khai thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” đối với các sở: KH-ĐT, Du lịch, Công thương; Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở huyện Bình Chánh
Công nhân làm việc tại nhà máy ở huyện Bình Chánh

Đồng hành doanh nghiệp

Theo báo cáo của các sở ngành, đến nay đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, kích thích phát triển kinh tế. Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, sở đã cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho DN, nhà đầu tư nước ngoài; ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ DN 2022, hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tham mưu TP chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của  TP, đánh giá năng lực cạnh tranh của các cơ quan cấp sở; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư… 

Trong khi đó, Sở Công thương cho biết đã thực hiện nhiều chương trình số hóa như tham mưu xây dựng đề án phát triển ngành logistics, triển khai trung tâm logistics, nâng cao năng lực quản trị cho DN. Nhằm tiếp sức DN, sở cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN trong nước kích thích tiêu dùng nội địa; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường; hỗ trợ XNK cho nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến; xây dựng chuỗi cung ứng để triển khai chương trình bình ổn thị trường…

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư TP, thời gian qua đã có 102 hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư. Cơ quan này đã tập trung xúc tiến các sản phẩm, tuần lễ các sản phẩm xuất khẩu chuyên ngành, xuất khẩu tại chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia; xúc tiến đầu tư, tổ chức 13 chương trình doanh nghiệp tiếp xúc lãnh đạo, kêu gọi đầu tư vào các quận, huyện như Củ Chi, Hóc Môn với vốn ký kết đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trung tâm cũng đã tổ chức các diễn đàn kinh tế châu Âu, hệ thống đối thoại DN với chính quyền TP để tháo gỡ chính sách cho DN, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp... 

Là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, Sở Du lịch cho biết, đang chuẩn bị đầu tư phần mềm lắng nghe xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Đây là năm thích ứng an toàn du lịch (phục hồi ngành du lịch sau Covid-19) nên sở tập trung phát triển sản phẩm du lịch, mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch; nâng cao năng lực chính quyền đô thị, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; kết nối ngân hàng, DN du lịch hỗ trợ cho DN du lịch hơn 600 tỷ đồng… “Với những nỗ lực chung của các ngành, số thu ngân sách 10 tháng đã đạt 395.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu dự toán ngân sách của cả năm”, bà Phan Thị Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, nói.

Nêu rõ tỷ lệ đúng hạn và hài lòng của người dân

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề còn tồn đọng. Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách) đặt vấn đề, Sở KH-ĐT tiếp nhận hồ sơ qua mạng 99,2% thì cần nêu rõ tỷ lệ đúng hạn và tỷ lệ hài lòng của người dân và DN. Sở đã thực hiện được dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, chỉ cần thanh toán qua mạng nữa là lên cấp độ 4, vướng gì lại không triển khai? Đại diện Sở KH-ĐT trả lời: “Tỷ lệ hài lòng đạt 99,44%; tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm số nhỏ”. 

Các đại biểu đặt câu hỏi với Sở Công thương: Mô hình quản lý chợ truyền thống, cách nào dẹp được chợ tự phát để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm? Giải pháp xử lý khan hiếm xăng dầu ra sao để bảo đảm nguồn cung? “Các chợ chủ yếu do quận, huyện quản lý. Sở muốn quản lý tiểu thương như mô hình hợp tác xã nhưng khi mời lên làm việc thì rất khó. Vì giá thuê đất tính vào giá tài sản chợ khiến chi phí tăng lên.

Các sở đã phối hợp báo cáo TP xem xét nhưng chưa được hướng dẫn nên giờ vẫn là “giá tạm tính”, lãnh đạo Sở Công thương cho biết. Về xăng dầu, do thương nhân tư nhân lấy hàng với mức giá không có chiết khấu nên kinh doanh bị lỗ, phải dừng bán. Sở Công thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các hệ thống xăng dầu lớn để đảm bảo xăng dầu cho người dân TP; tham mưu cho xe bồn vận chuyển trong thời gian mà trước đây không được vận chuyển…

Các đại biểu trong đoàn giám sát đề nghị ngành du lịch có giải pháp xây dựng được thương hiệu du lịch TP; phải làm sao tất cả toilet công cộng trên địa bàn TP phải sạch; chú trọng việc ăn ngon, vệ sinh thực phẩm an toàn, để khách an tâm… Đặc biệt, đại biểu chất vấn tại sao giá du lịch qua Thái Lan rẻ hơn, vậy Việt Nam sẽ kết nối ra sao để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh?

Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, sở đã có ký kết với Công an TP chương trình an ninh du lịch, cũng như triển khai liên kết ngành để hình thành chuỗi giá trị có giá cạnh tranh; làm việc với các hãng hàng không, liên kết các điểm đến… để giảm giá, tăng sức cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục