TP Hồ Chí Minh: Nan giải giảm tải bệnh viện

Ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của bộ đã kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại 2 Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và Đại học Y Dược TPHCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi một bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy sáng 13-8 Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi một bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy sáng 13-8 Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bệnh nhân chen lấn, chờ đợi từ 3 giờ sáng

Có mặt tại BV Chợ Rẫy, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã phải nhích từng chút giữa “biển người” để tìm hiểu quy trình khám chữa bệnh. Đây là một trong những bệnh viện tuyến trung ương quá tải nhất hiện nay ở phía Nam với bình quân khám gần 10.000 lượt bệnh nhân/ngày, trong đó 90% thuộc tuyến tỉnh. Đoàn gặp ông Lê Anh Hưng (67 tuổi) từ Long An lên TPHCM khá sớm để bốc số chữa bệnh đái tháo đường. Khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi tại sao không khám chữa bệnh tại BV đa khoa tỉnh, bởi bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được tại cơ sở tuyến dưới, dễ dàng điều trị mà không phải mất thời gian, tiền bạc đi lại khám bệnh, con trai ông Hưng cho rằng không thực sự tin tưởng bác sĩ tuyến dưới. Nhiều người dân ở các tỉnh ĐBSCL có mặt tại BV cũng phản ánh đến tư lệnh ngành y tế rằng họ phải xếp hàng chờ đợi quá lâu để đến lượt khám bệnh. Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, thời gian qua BV đã thực hiện nhiều phương pháp giảm tải, khám bệnh từ 4 giờ 30, bố trí thêm nhiều phòng khám, đầu tư xây mới cơ sở vật chất.... nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình hình quá tải vẫn tăng, nhất là khám bệnh ngoại trú. Trong khi năng lực bệnh viện có hạn, cơ sở vật chất chật hẹp.

Đến tìm hiểu quy trình khám chữa bệnh tại BV Đại học Y Dược TPHCM, trong vai người bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào phòng khám Tiêu hóa để chất vấn cặn kẽ bác sĩ khám bệnh và dành thời gian trò chuyện, hỏi thăm chị Nguyễn Thị Phượng (42 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) đang ngồi chờ khám bệnh dạ dày. Chị Phượng cho biết phải đến BV từ đêm hôm trước, xếp hàng bốc số từ 4 giờ sáng nhưng đến hơn 10 giờ vẫn chưa đến lượt. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, với hơn 8.500 lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú mỗi ngày, BV đang quá tải nghiêm trọng. Dù đã tăng thêm nhiều bàn khám, tư vấn đăng ký khám bệnh và lấy máu xét nghiệm từ 3 giờ sáng, đăng ký khám bệnh online, thanh toán qua thẻ, tích hợp đăng ký khám bệnh “4 - trong - 1”, khám bệnh thông tầm, ứng dụng công nghệ thông tin,... nhưng chưa giải quyết triệt để tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân ngày một đông, với hơn 80% tuyến tỉnh đổ về.

Cần kết hợp nhiều giải pháp 

Chiều cùng ngày, đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 BV trên cùng đại diện Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm Xã hội TPHCM… 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các BV duy trì thực hiện tốt các giải pháp đang làm như cải cách quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán viện phí, kê đơn thuốc, cải tạo cơ sở vật chất. Tiếp tục thực hiện các đề án BV vệ tinh, luân phiên bác sĩ (đề án 1816). Hơn nữa, cần chẩn đoán từ xa qua mạng để xử lý bệnh tại cơ sở các bệnh đơn giản chứ không cần chuyển viện. Những bệnh nhân hậu phẫu cần cho xuất viện sớm và hẹn tái khám để giải phóng giường bệnh. Thậm chí có thể kết hợp với các BV tư nhân để chuyển bệnh nhân sang theo dõi hậu phẫu. Tuyên truyền sâu rộng đến với người dân các loại bệnh có thể khám chữa ở tuyến dưới.

Bộ trưởng Y tế đánh giá cao việc tự chủ và những cải tiến của BV Y dược TP và yêu cầu BV cần sớm giải quyết tình trạng quá đông bệnh nhân ở các khoa ngoại trú. “Không phải càng đông bệnh thì tốt mà cần kìm hãm và giảm tải. Mặc dù, đã ứng dụng công nghệ thông tin nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng chờ đợi cho người bệnh. Có những bệnh nhân chờ 4 giờ, vì vậy cần chuyển bớt bệnh nhân ngoại trú và nội trú về tuyến dưới”, bộ trưởng nói và đề nghị BV tăng cường phát triển hệ thống BV vệ tinh, mở rộng các cơ sở hoặc đặt vệ tinh tại các BV quận, huyện để giảm tải.

Yêu cầu chung với ngành y tế TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết TPHCM đã có 3 trạm y tế kiểu mẫu của cả nước, cần phát triển bổ sung lên 21 trạm, đồng thời nên đưa các bác sĩ BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược TPHCM về các trạm này phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, bởi một nửa số ca bệnh nhập viện tại 2 cơ sở tuyến cuối này hoàn toàn có thể chữa được ở tuyến dưới. 

Tin cùng chuyên mục