TP Hồ Chí Minh: Điểm sáng xuất khẩu và doanh thu bán lẻ

Bất chấp khó khăn từ dịch Covid-19, xuất khẩu và doanh thu bán lẻ tại TPHCM vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Để có được kết quả này, ngành công thuơng TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chương trình kích cầu cũng như tổ chức hoạt động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. 
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Giữ đà tăng trưởng 

Theo số liệu từ Sở Công thương TPHCM, kết thúc năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 1.224.705 tỷ đồng, giảm 1,3% so với năm trước (năm 2019 tăng 13%); trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa ước đạt 759.714 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và chiếm 62% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ. Hoạt động thương mại dịch vụ trong năm 2020 chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch Covid-19, người dân hạn chế trong việc đi lại, vui chơi giải trí, lượng khách đến các nơi công cộng, tình hình mãi lực giảm. Tuy vậy, doanh thu bán lẻ vẫn tăng khá cao, sức mua tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân, đã trở thành đầu kéo cho hoạt động thương mại nói riêng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nói chung tiếp tục duy trì.

Về phát triển hệ thống phân phối, năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tình hình phát triển hệ thống ổn định với 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại (TTTM) và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Xét về tỷ trọng, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố; trong đó siêu thị chiếm 80%, TTTM chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân liên quan theo hướng văn minh, hiện đại thông qua việc lựa chọn kênh phân phối mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, góp phần xóa bỏ các điểm - khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng lề đường, gây mất an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của thành phố. 

Trong lĩnh vực xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,81 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,7%). Tổng kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu (không tính dầu thô) ước đạt 38,53 tỷ USD, tăng 2,9%  so với năm 2019. Nhóm các mặt hàng xuất khẩu như nông, lâm, thủy hải sản; hàng công nghiệp và nhóm các hàng hóa khác đều giữ được tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, giá trị gia tăng trên sản phẩm được cải thiện. Cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ sang các nước, vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Australia. 

Đa dạng các hoạt động hỗ trợ DN

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận, năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, ngay từ đầu năm, Sở Công thương tập trung thực hiện xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành công thương thành phố. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trong thời gian qua đã tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thuộc các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn. Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, khơi thông sức mua, Sở Công thương đã chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại các Chỉ thị số 01/CT-UBND, Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBND TPHCM, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép kiên quyết phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020.

Cụ thể, ngay sau khi thành phố bỏ lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid -19, sở đã tập trung triển khai hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhịp sống bình thường, như: Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020; phát động “60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn thành phố”; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 với sự tham gia của hơn 500 DN đến từ 42 tỉnh, thành của cả nước, ký kết 550 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; tổ chức Chương trình “Khuyến mãi mùa vàng”, là điểm nhấn cho hoạt động kích cầu thương mại trong những tháng cuối năm 2020, là giai đoạn cộng đồng DN tập trung triển khai các hoạt động khuyến mãi theo xu hướng chung của thế giới và hưởng ứng “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday” tổ chức ngày 4-12 vừa qua…

Đối với các DN sản xuất, công nghiệp, sở cũng tổ chức đa dạng hóa loại hình hoạt động, đồng thời xây dựng danh mục các nhóm hàng công nghiệp trong từng lĩnh vực để lên kế hoạch, chương trình hỗ trợ chuyên sâu. Triển khai tốt chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50 của UBND TPHCM. Đến nay đã có 28 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ được UBND thành phố phê duyệt, với tổng vốn hơn 2.064 tỷ đồng. 

Về lâu dài, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025 (trình UBND thành phố vào ngày 3-12 vừa qua) với mục tiêu tạo điều kiện cho DN tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần tập trung tháo gỡ rào cản vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục khơi thông và tạo động lực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sở tăng cường phối hợp với các sở ngành, ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020, nhằm kết nối cung cầu trực tiếp giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN nước ngoài đang hoạt động, sản xuất tại Việt Nam và TPHCM; cùng phát triển mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. 

Các chương trình trên trở thành một trong những hoạt động xúc tiến trọng điểm, kịp thời giúp thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình dịch bệnh, chung tay thực hiện hiệu quả chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công thương cũng đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - DN năm 2020 với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19”. Hội nghị đã tham gia hỗ trợ 17.215 khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi Covid-19, với tổng số tiền đạt 87.638 tỷ đồng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 14.632 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất là 11.386 tỷ đồng và cho vay mới với lãi suất thấp là 61.620 tỷ đồng). Các ngân hàng thương mại tập trung cho nhóm đối tượng là DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 72% tổng số tiền hỗ trợ (khoảng 63.099 tỷ đồng).

Tin cùng chuyên mục