Tổng thống Argentina họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng tàu ngầm

Ngày 24-11, Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Buenos Aires về cuộc khủng hoảng tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích từ ngày 15-11. 

 
Tổng thống Argentina Mauricio Macri (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad (trái). Ảnh: Clarin
Tổng thống Argentina Mauricio Macri (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Oscar Aguad (trái). Ảnh: Clarin

Cuộc họp khẩn diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có trụ sở tại Áo, hôm 23-11 khẳng định đã xảy ra một vụ nổ lớn tại gần khu vực mà tàu ngầm đã liên lạc lần cuối với đài chỉ huy. 

Đại sứ Argentina tại Áo Rafael Grossi, một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nguyên tử, đã yêu cầu IAEA kiểm tra, rà soát các hoạt động trên biển tại khu vực Nam Đại Tây Dương và IAEA đã phát hiện ra vụ nổ lớn gần khu vực tàu ARA San Juan mất tích, song khẳng định đây không phải là một vụ nổ hạt nhân. 

Xem xét khả năng cách chức một số tướng lĩnh hải quân

Theo tờ Clarin, tờ báo có số phát hành lớn nhất Argentina, chính phủ đang xem xét khả năng cách chức một số tướng lĩnh Hải quân liên quan việc điều hành công tác xử lý vụ khủng hoảng tàu ARA San Juan mất tích, với 44 thủy thủ.

Chính phủ cho rằng đã có sự chủ quan, cẩu thả, vô trách nhiệm và không tuân thủ nguyên tắc trong giải quyết việc tàu ngầm mất liên lạc. Chính phủ cũng yêu cầu chỉ huy Hải quân Argentina giải thích lý do đã không thông báo kịp thời thông tin khi xảy ra việc tàu ARA San Juan mất tích với Tổng thống Macri cũng như Bộ trưởng Aguad ngay từ hôm 15-11. 

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đề nghị hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu hộ của Argentina bằng cách nhanh chóng điều một tàu hải dương học công nghệ cao của nước này tới khu vực tìm kiếm trong bối cảnh thời gian để tìm kiếm những thủy thủ còn sống không còn nhiều. 

Trong lúc này, điều kiện thời tiết không thuận lợi với gió lớn và sóng dâng cao tới 7m ở khu vực tìm kiếm Nam Đại Tây Dương hiện đang cản trở hoạt động cứu hộ. Hiện 4.000 người, cùng nhiều tàu và máy bay đang tham gia vào công tác tìm kiếm. 10 quốc gia như Mỹ, Chilê, Brazil, Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã gửi trang thiết bị hiện đại và chuyên gia tới hỗ trợ tìm kiếm. 

Tin cùng chuyên mục