Tổng sản phẩm trong nước quý 2 tăng 6,17%, cao hơn hẳn quý 1

Tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước – Tổng cục Thống kê vừa cho biết tại cuộc họp báo sáng nay, 29-6.
CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất là 0,59%
CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất là 0,59%

Như vậy, GDP quý 2 đã có sự khởi sắc so với quý trước (quý 1 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,17%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 62.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%.

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm là trên 5.400 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ, đại đa số (trên 5.000 doanh nghiệp) có quy mô vốn nhỏ.

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho thấy có 43% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 tốt hơn quý 1; 19,2% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,8% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá quý 3 sẽ tốt hơn quý 2 cũng khá cao: 52,1%.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đặc biệt cao ở khu vực thành thị

Tuy tỷ lệ thất nghiệp chung (2,05%) giảm nhẹ, với tổng số người thất nghiệp của quý 2-2017 là khoảng 1,12 triệu người, giảm so với quý 1 và thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cả nước (từ 15 đến 24 tuổi) lại khá cao: 7,67%. Đáng lưu ý, tỷ lệ này đặc biệt cao ở thanh niên thành thị (11,95%), nghĩa là trong 100 thanh niên ở độ tuổi 15-24 tuổi ở thành phố có đến 12 người thất nghiệp.

Trong một thống kê chuyên đề về tình hình lao động – việc làm 6 tháng đầu năm 2017 được công bố ngày 29-6, cơ quan thống kê quốc gia cũng cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý 2 năm 2017 ước đạt 54,52 triệu người, tăng 162,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động tăng chủ yếu do biến động tăng dân số tự nhiên của dân sơ từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 67,9% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Lao động trong nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch giữa ngành nông lâm nghiệp, thủy sản sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. So với cùng kỳ năm 2016, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,6 điểm phần trăm, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng tăng 1,1% và ngành dịch vụ tăng 0,5 điểm phần trăm.  

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2017 giảm 0,17% so với tháng trước, do có tới 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá không đáng kể; trong khi có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có quyền số lớn giảm giá mạnh và 1 nhóm giảm nhẹ.

Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất là 0,59%, giao thông giảm 0,71%, bưu chính - viễn thông giảm 0,01%.

Các nguyên nhân chính dẫn đến giảm giá là nguồn cung lúa gạo dồi dào, giá thịt heo tươi sống giảm mạnh, giá xăng dầu được điều chỉnh 2 lần, tính chung giảm 560 đ/lít xăng và 430 đ/lít dầu diezen…

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15%.

Lạm phát cơ bản (lạm phát sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục – PV) tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước; tăng 1,29% so với cùng kỳ và tính chung 6 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,52%. Mức này (1,52%) thấp hơn so với kế hoạch (1,6-1,8%) cho thấy chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định.

Tin cùng chuyên mục