Tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng

Mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 24-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Chính phủ dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như sau. Tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương- NSTW (trong đó 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP). Trong đó, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết tối đa là 2.720 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW là 1.350 nghìn tỷ đồng, NSĐP là 1.370 nghìn tỷ đồng. Dự phòng vốn NSTW là 10% (150.000 tỷ đồng) bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020. Mức dự phòng NSĐP do HĐND tỉnh quyết định.

Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 1.500 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng dự kiến kết quả đạt được là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TPHCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông - Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng khan hiếm nước, hoàn thành 84 dự án kết nối liên vùng, dự án lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh...

Chính phủ trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó thông qua danh mục 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn NSTW chi cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng (phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 50.000 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng).

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp (giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông (giai đoạn 1) và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư là Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với 65.795 tỷ đồng; khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).

Đối với số vốn còn lại khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, trường hợp phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục