Tổng lực bù tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải huy động tổng lực để hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam) đúng tiến độ, tránh tình trạng trung ương dồn toàn lực nhưng công trình vẫn không thực hiện được. 

Trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vẫn nhận được sự quan tâm sát sao của Chính phủ. Chỉ trong 4 tháng, Chính phủ đã 3 lần tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đốc thúc tiến độ dự án.

Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của dự án được Chính phủ gợi mở, đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Đơn cử, về vấn đề thiếu nguyên vật liệu, đất đắp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Gần đây nhất, Nghị quyết số 133/NQ-CP cho phép địa phương điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án. Tuy nhiên, đến nay tiến độ dự án vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân, công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần (khoảng 7,6km, tại 2 tỉnh Nghệ An và Khánh Hòa) chưa hoàn thành; việc di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông hiện còn vướng tại 4 tỉnh. 

Bên cạnh đó, dự án cũng bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc áp dụng giãn cách xã hội ở những địa phương khiến phương tiện, nhân lực phục vụ dự án gặp khó khăn trong di chuyển. Vấn đề vốn cho 3 dự án thành phần thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đang có những khó khăn. Vướng mắc nằm ở chỗ, Bộ GTVT lập đề xuất các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam khi Luật PPP chưa ban hành, nên các dự án này không được áp dụng quy định chia sẻ doanh thu dự án giữa Nhà nước và nhà đầu tư như đề xuất của phía ngân hàng… 

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đây là công trình trọng điểm quốc gia, Bộ Chính trị đã chỉ đạo, trong 5 năm tới phải ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành dự án. Hiện vấn đề vật liệu đất đắp cho dự án đã cơ bản được giải quyết, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng giảm thiểu khi các địa phương đã nới lỏng việc đi lại. Bộ GTVT đã có hướng dẫn cụ thể về việc phòng dịch tại các công trường giao thông. Các địa phương cần dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, không để lời hứa bàn giao mặt bằng bị lùi hết lần này đến lần khác như thời gian qua. Về phía Bộ GTVT, cần chỉ đạo các nhà thầu rà soát tổng thể tiến độ để có giải pháp tăng ca, bổ sung nhân lực, trang thiết bị để bù tiến độ công việc đã chậm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án PPP. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu nối thông đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn cao tốc khu vực ĐBSCL như đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, để giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập, tồn tại trong dự án. Vấn đề còn lại nằm ở việc tổ chức thực hiện của các địa phương và bộ ngành liên quan, trong đó Bộ GTVT giữ vai trò chủ đạo. Một khi các cơ quan, đơn vị thực hiện trực tiếp chưa thể hiện được tinh thần quyết tâm, chủ động, hẵn tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam còn chưa đảm bảo, ngày hoàn thành dự án còn kéo dài. 

Tin cùng chuyên mục