Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Yêu cầu giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng ​

Thảo luận tại tổ ĐBQH sáng 22-5 về tình hình kinh tế - xã hội 2017 và kế hoạch 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật đối với các dự án BT, BOT... Ông Phớc cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng. 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

“Phải thay đổi cách tính giá đất, còn nếu tính như hiện nay thì 100% dự án đều sai phạm. Một khu đô thị mà chúng ta đưa ra 5 phương pháp áp giá, mỗi phương pháp có thể chênh nhau hàng chục lần, mà không bắt buộc chủ đầu tư thực hiện theo phương pháp nào, để họ tự lựa chọn, là điều không thể chấp nhận được”. Ngoài ra, Tổng Kiểm toán cũng cảnh báo hiện tượng bong bóng bất động sản đang quay trở lại, có thể gây tác hại lớn cho nền kinh tế.

Các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng cũng được Tổng Kiểm toán Nhà nước tập trung phân tích. Ông cho rằng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng 0 đồng. “Có thể “bán hoặc giải thể, phá sản... bằng biện pháp nào đó để tránh tình trạng lỗ mẹ chồng lên lỗ con”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói và nhắc đến kinh nghiệm ở Nhật Bản về tái cơ cấu ngân hàng theo hướng nhà nước bỏ tiền ra mua các ngân hàng bị thua lỗ và tập trung cơ cấu lại, sau khi ngân hàng hoạt động bình thường thì bán đi và thu tiền về.

Lấy ví dụ GPBank, Tổng Kiểm toán Nhà nước phân tích, hiện nay lỗ lũy kế của ngân hàng này đã lên đến 13.448 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu là 10.363 tỉ đồng; hoặc là OceanBank lỗ lũy kế 15.894 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu là 11.625 tỉ đồng. Nợ xấu của 3 ngân hàng này là trên 35.000 tỉ đồng. “Theo tính toán, GPBank mỗi ngày mất khoảng 3,6 tỉ đồng thì mỗi năm cũng mất gần 1.000 tỉ đồng, cho nên chúng ta phải tập trung giải quyết được vấn đề này càng sớm càng tốt để giữ được ổn định của hệ thống ngân hàng”.

Tương tự, với 12 dự án thua lỗ ngành công thương, ông Phớc thẳng thắn: “Bán thì bán, hay cổ phần hóa thì cổ phần hóa, xử lý dứt điểm bằng một biện pháp. Nếu chúng ta cứ kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến giờ và đến hết nhiệm kỳ vẫn không giải quyết được 12 dự án này với gần 100.000 tỉ đồng vốn đầu tư (không chỉ mất vốn) mà sẽ kéo theo các hệ lụy khác như công ăn việc làm, lãng phí máy móc, thiết bị…”

Ghi nhận việc lần đầu tiên trong nhiều năm chúng ta đạt được tất cả các chỉ tiêu, GDP quý 1 năm 2018 cũng tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây (7,38%), nhưng trên quan điểm thận trọng, ông Hồ Đức Phớc nêu vấn đề: “Tăng trưởng cao song thu ngân sách vẫn không đạt, đặc biệt là nguồn thu ngân sách trung ương; công ăn việc làm vẫn rất khó khăn; đầu tư công rất hạn hẹp. Về các địa phương ngày trước mỗi năm cũng khởi công được hàng trăm công trình, nhưng bây giờ rất ít. Các DN vừa và nhỏ rất khó khăn. Đời sống của nhân dân cũng khó khăn. Do đó chúng tôi đề nghị phải làm rõ cơ cấu tăng trưởng và thực chất tăng trưởng có mang lại lợi ích và đời sống cho người dân hay không để xác định hướng đi một cách lâu dài”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách. Ông nói: “Nếu chúng ta không siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính thì bao nhiều tiền cũng không sử dụng có hiệu quả được. Tại sao một số tỉnh cứ giữ lại nguồn ngân sách mà không phân bổ ngay, không đưa ra HĐND để phân bổ? Chẳng hạn có 10.000 tỉ đồng trên cấp về chỉ đưa ra HĐND phân bổ 6.000 tỉ đồng. Như vậy là không đúng quy định của luật Ngân sách nhà nước và sẽ xảy ra những vấn đề sai phạm”.

Tin cùng chuyên mục