Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Sáng 30-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để nhìn lại những kết quả đã đạt được qua 1 năm công tác, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị, cùng dự còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng…

Thủ tướng trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị. Với Chính phủ, sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nay đã trở thành thông lệ, khích lệ tinh thần của tất cả chúng ta điều hành đất nước vượt qua mọi thách thức, dành được thắng lợi trên mọi mặt trận an ninh quốc phòng, đối ngoại… Thủ tướng cũng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 30-12. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho biết, chỉ còn 1 ngày nữa là kết thúc năm 2019, bước sang năm 2020, như một truyền thống ở thời khắc quan trọng, hội nghị trực tuyến với các địa phương để cùng thảo luận, phân tích những kết quả đã đạt được năm 2019, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, phân tích những cơ hội và khó khăn thách thức trong năm 2020 và những năm tiếp theo, từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để  hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, Thủ tướng đã nêu lên những vấn đề lớn là nguyên nhân, hệ quả của kết quả năm 2019 cũng như năm 2020 và những năm xa hơn. Những thành quả kinh tế - xã hội chúng ta có được năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tình thần đoàn kết cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng thông tin rằng “quy mô càng lớn thì càng khó tăng trưởng nhanh”, điều này đã không đúng. Bởi năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD (lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp 1,3 lần so với năm 2015). Nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 tăng trưởng đạt 7,02%. Thủ tướng cũng khẳng định, quy mô càng lớn thì việc đạt tăng trưởng càng khó khăn, nhưng không phải là không đạt được.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ ảnh 3 Hội nghị trực tuyến dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, với những gì kinh tế - xã hội trong năm 2019 đã đạt được cho thấy nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện “lựa chọn” mà là câu chuyện “phát triển bền vững và hài hòa” theo nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Năm 2019 là năm đáng nhớ khi là năm thứ ba liên tiếp nhiều thành tựu quan trọng từ thành thị tới nông thôn, từ miền núi đến hải đảo; trên hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ luôn nhất quán quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không để ai ngoài lề của sự phát triển”. Để duy trì sự tăng trưởng như những năm qua, Thủ tướng nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, là một quốc gia thịnh vượng thì không phải tất cả các vùng miền, địa phương đều thịnh vượng, sẽ có nhiều địa phương thay đổi rất nhanh, cũng có địa phương bị tụt lại, Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất trong tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ ảnh 4 Toàn cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP

Những Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng tạo cơ sở, tiền đề để Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động, tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực.

Để chuẩn bị thật tốt cho năm 2020, Thủ tướng đề nghị phải làm việc thật tốt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả năm 2019, nhận định, bối cảnh tình hình năm  2020 về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm tới.

Các địa phương quyết tâm cùng Chính phủ
 Tại đầu cầu TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2019, TPHCM xác định là năm đột phá cải cách hành chính. Năm 2019, thành phố ghi nhận môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, nhiều cơ chế chính sách được thực thi, chất lượng đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tổng sản phẩm GDP của thành phố đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%; cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao; năng suất lao động năm 2019 ước đạt 299,8 triệu đồng/người (tăng 6,82%); hoạt động thu ngân sách thành phố đạt 412.474 tỷ đồng (tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch)…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ ảnh 5 TPHCM không ngừng phát triển. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, năm 2020 thành phố xác định là năm đặc biệt quan trọng, và đề ra chủ đề năm mới là đẩy mạnh hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. TPHCM quyết tâm triển khai các nhiệm vụ thực hiện bằng được mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực chất lượng cạnh tranh của kinh tế thành phố gắn với tái cấu trúc kinh tế. Thời gian tới thành phố phấn đấu thực hiện các đề án lớn, trong đó có đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; đề án xây dựng khu đô thị tương tác cao phía Đông thành phố.
“Thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài, giữ vững ổn định trên địa bàn, đồng thời chủ động thông tin những vấn đề người dân quan tâm về kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường đầu tư, tình hình bảo vệ chủ quyền, biển đảo… để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và đồng thuận”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, năm 2020, Hà Nội có 17 sự kiện cấp nhà nước và đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ để tổ chức thành công các sự kiện. Đối với việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, thành phố sẽ trình cơ chế chính sách, phân cấp ủy quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm chính quyền các cấp, đề xuất Chính phủ, các bộ ngành để sớm trình Quốc hội; đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép không sáp nhập 2 phường Hàng Bạc và Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) vì đây là 2 phường lưu giữ văn hóa đặc sắc phố nghề…
Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng, đánh giá năm qua Chính phủ đã thể hiện biện pháp điều hành khoa học, linh hoạt, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành xuyên suốt mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách, nhất là quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, góp phần quan trọng khơi thông nguồn lực cho các địa phương.
Bí thư Lê Văn Thành cho biết, năm tới TP Hải Phòng phấn đấu các chỉ tiêu sẽ tăng trưởng cao hơn năm trước. Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị thành phố được thực hiện đề án, chính sách đặc thù. 
Nêu ý kiến ở đầu cầu Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết, thành tựu lớn nhất của tỉnh trong năm qua là việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, đã giảm gần 30.000 cán bộ, tiết kiệm được gần 800 tỷ đồng/năm và “cán bộ sau khi sắp xếp hầu như không có tâm tư”.

Tin cùng chuyên mục