Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị MTTQ Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân... Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc...
Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam
Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam

Ngày 18-11, Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2020) và trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.

Buổi lễ  được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng... cùng sự tham dự của đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và 2.000 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 1 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: QUANG PHÚC
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 2 Ảnh: QUANG PHÚC
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không được bao lâu, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhắc lại các dấu mốc lịch sử quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những thành tích đạt được trong 90 năm qua đã khẳng định: MTTQ Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Tại lễ kỷ niệm hôm nay, Mặt trận tiếp tục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế và điều quan trọng nhất là cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Đó là, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hoá, hoặc đã thể chế hoá nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát; còn có biểu hiện hành chính hoá, chưa thiết thực, hiệu quả. Sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 4 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì phấn đấu, bằng trí tuệ, tài năng và nghị lực của mình, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực vẫn đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh kinh tế diễn ra ngày càng gay gắt; các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tiếp tục tác động đến môi trường hoà bình, ổn định và phát triển của các nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta; đó là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị MTTQ Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung. Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 5 Trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong giai đoạn mới, Mặt trận cũng cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội. Tăng cường giám sát để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. MTTQ phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân. Làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

“Mặt trận cần thực sự tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật chứ không chỉ làm nhiệm vụ động viên, kêu gọi, tổ chức các phong trào. Đó chính là cách làm cho Mặt trận mới hơn, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

“Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến, anh hùng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kết thúc diễn văn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc ảnh 6 Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà giáo nhân dân, PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh nhấn mạnh, là người đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, trực tiếp trong lòng thành phố những ngày chống dịch, những ngày phải chống chịu với thiên tai, bão lũ hoành hành, PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những tình cảm mà nhân dân cả nước đã dành cho thành phố Đà Nẵng và Miền Trung. “Một bài học mà không một người dân Việt Nam nào không biết là bài học đoàn kết mà Bác Hồ đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Vì thế phải thường xuyên quan tâm củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải tạo sự đồng thuận xã hội, ai cũng thấy mình là một tế bào, một phần hữu cơ trong cơ thể sống Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh phát biểu.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát biểu, là người con của dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi Tây Nghệ An, cùng với 54 dân tộc anh em, luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng từ những bước đi đầu tiên cho đến hôm nay, trưởng thành, hơn ai hết, bà cảm nhận được rất rõ và rất biết ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với cán bộ nữ nói riêng và đồng bào, cán bộ, chiến sỹ nói chung. Bà Võ Thị Minh Sinh cho rằng, muốn khẳng định vai trò, vị thế, muốn được Đảng tin, dân mến thì không thể hô hào suông, mà phải xắn tay vào công việc, phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”; phải tăng cường đối thoại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của Mặt trận hướng về cơ sở.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục