Tôn vinh lực lượng xung kích phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Hiện nay, ngành CNTT đóng góp 14,3% GDP cả nước, vượt qua ngưỡng 10% GDP; CNTT là ngành công nghiệp then chốt, là ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Năng suất bình quân 1 lao động CNTT bằng 7,7 lần năng suất lao động bình quân của người lao động trong cả nước.

Tối 14-12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và truyền thông – Ngày chuyển đổi số 2020, đã diễn ra Lễ công bố và vinh danh TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 và công bố ấn phẩm đặc biệt giới thiệu về các doanh nghiệp này.

Đây là những doanh nghiệp CNTT hàng đầu, uy tín tại Việt Nam, có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy nền CNTT của Việt Nam. Sản phẩm nổi trội của các doanh nghiệp này không chỉ hỗ trợ các đơn vị trong nước chuyển đổi số mà còn tạo ra nền tảng, hệ sinh thái số để Việt Nam tiến hành chuyển đổi số.

Tôn vinh lực lượng xung kích phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VNS
Tới dự và trao chứng nhận, vinh danh các doanh nghiệp và phát biểu tại sự kiện, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, đánh giá cao hoạt động vinh danh các doanh nghiệp CNTT của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA). Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chính hoạt động các hội, hiệp hội doanh nghiệp thuộc VINASA trong 20 năm qua, xung quanh lĩnh vực CNTT và truyền thông, đã góp phần để ngành này có được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và của thế hệ trẻ. Đặc biệt, sản phẩm CNTT Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của cả trong nước và nước ngoài.
Điểm lại những bước phát triển cơ bản của ngành CNTT Việt Nam về đội ngũ nhân lực, tỷ trọng đóng góp GDP trong các năm, năng suất lao động, mức tăng trưởng… đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích những thành tựu nổi bật, những đóng góp to lớn mà ngành CNTT đối với sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, ngành CNTT đóng góp 14,3% GDP cả nước, vượt qua ngưỡng 10% GDP; CNTT là ngành công nghiệp then chốt, là ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Năng suất bình quân 1 lao động CNTT bằng 7,7 lần năng suất lao động bình quân của người lao động trong cả nước.
Đặt vấn đề đến năm 2030, ngành CNTT sẽ tăng năng suất lên 10 lần, tăng tỷ lệ đóng góp GDP, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vấn đề cơ bản, cốt yếu là số hóa cơ sở dữ liệu, phát triển hạ tầng công nghệ số, xây dựng các khu công nghệ cao, đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực 4.0 với những kỹ năng phù hợp. Hiện nay, trong 3 trụ cột của chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số) vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ số là chiến lược. Đây được xem là lực lượng xung kích để đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số ở Việt Nam.
Tôn vinh lực lượng xung kích phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và ông Trương Gia Bình trao Chứng nhận TOP 10 doanh nghiệp CNTT cho các doanh nghiệp tiêu biểu tại sự kiện. Ảnh: VNS
Theo thống kê của VINASA, hơn 80% doanh nghiệp tham gia đang nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong quá trình phát triển sản phẩm, giải pháp; tổng doanh thu các các đơn vị TOP 10 doanh nghiệp CNTT năm 2019 lên tới gần 1.975.000 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2019. Tổng doanh thu xuất khẩu của TOP 10 doanh nghiệp CNTT xuất khẩu phần mềm đạt hơn 4.900 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng kim ngạch xuất khẩu phần mềm Việt Nam 2019.
Tôn vinh lực lượng xung kích phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ảnh 3 Các doanh nghiệp TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 được vinh danh tại sự kiện. Ảnh: VNS
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban Tổ chức chương trình khẳng định, Chương trình TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 tập hợp lực lượng doanh nghiệp công nghệ số hội tụ đủ uy tín và năng lực, sẽ là lực lượng tiên phong, xung kích cho công cuộc chuyển đổi số, sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề của Việt Nam, bài toán của Việt Nam, xây dựng năng lực vượt trội để từ đó tiến ra toàn cầu.
Các doanh nghiệp được lựa chọn của chương trình sẽ được giới thiệu trong ấn phẩm đặc biệt TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 phát hành bằng 3 ngôn ngữ: Anh, Nhật, Việt. Ấn phẩm này sẽ trực tiếp giới thiệu tới hơn 2.000 cơ quan, đơn vị trong nước, hơn 10.000 đối tác từ gần 100 nền kinh tế trên thế giới trong mạng lưới hợp tác quốc tế của VINASA, được giới thiệu và đồng hành trong các sự kiện lớn của ngành CNTT Việt Nam, những chương trình xúc tiến thương mại tham gia các triển lãm, hội nghị hàng đầu thế giới tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, Australia...
Tôn vinh lực lượng xung kích phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ảnh 4 Các doanh nghiệp TOP doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 được vinh danh tại sự kiện. Ảnh: VNS

Chương trình TOP 10 doanh nghiệp CNTT 2020 đã nhận được hơn 170 đề cử từ 100 doanh nghiệp. Trải qua quy trình đánh giá khắt khe gồm 3 vòng (Sơ tuyển hồ sơ; Thuyết trình & Thẩm định thực tế; Bình chọn chung tuyển) Hội đồng đánh giá do TS Mai Liêm Trực làm Chủ tịch và hơn 40 đại diện từ  Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT cùng các chuyên gia kinh tế, công nghệ và các nhà báo đã lựa chọn 100 lượt doanh nghiệp, tổ chức xứng đáng vinh danh TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020. Trong công tác bình chọn, uy tín và năng lực thực sự của các doanh nghiệp rất được chú trọng hàng đầu nên ở một số lĩnh vực, hội đồng không chọn đủ 10 doanh nghiệp, đơn vị. Điều này phản ánh rõ thực tế phát triển của các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực của ngành CNTT.

Tin cùng chuyên mục