Tôn vinh bằng tầm nhìn và hành động cụ thể

“Cú sốc” đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những điểm yếu, điểm thiếu của hệ thống y tế cơ sở; và không chỉ từ “cơ sở”. Vì thế, một trong những đầu việc quan trọng nhất ngay khi bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, lãnh đạo TPHCM đã xác định là nhanh chóng bắt tay khắc phục, củng cố, nâng cấp, phát triển toàn diện hệ thống y tế cơ sở. 
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc khắc phục, củng cố, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở của TPHCM không chỉ là vấn đề của cơ sở; cũng không chỉ một hay vài đầu việc như cơ chế tuyển dụng, chính sách tăng thu nhập… mà cần đặt để trong một chiến lược đầu tư, phát triển bài bản, khoa học, sát với thực tế, kể cả mức độ dự báo tình hình sức khỏe toàn cầu - quốc gia trong tương lai gần.

Dù đã rất nỗ lực, song con số 20,2 bác sĩ/10.000 dân vẫn là thấp so với một số quốc gia tiên tiến. Ngay trong con số 20,2 bác sĩ cho tuyến cơ sở ấy, số bác sĩ thực hành tổng quát chiếm tỷ lệ khá thấp so với bác sĩ chuyên khoa. Chưa kể, lực lượng y tế công cộng cũng vừa mỏng vừa yếu. Ngoài ra, thành phố cần có thêm ít nhất gần 4.000 giường bệnh cùng sự đầu tư cấp bách cho cơ sở vật chất hiện có nhưng xuống cấp nặng. Mới chừng ấy thôi cũng đã đủ cho một cuộc tái cấu trúc từ cơ bản - là công tác giáo dục - đào tạo. Trong đó, cần có “đơn đặt hàng” thị trường sử dụng nhân lực y tế với nơi đào tạo cho đến các cơ chế chính sách cũng phải sát với nhu cầu thực tế. 

Không phải ngẫu nhiên mà khi mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, lãnh đạo TPHCM đã gặp mặt và đặt hàng nhiều vấn đề những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế thành phố. Tại đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã xác định rõ: “Có nhiều vấn đề thuộc cơ chế chính sách, có cái cần phải phù hợp với thành phố với tư cách là địa phương luôn đi đầu do được thúc bách bởi thực tiễn, UBND TPHCM sẽ chọn lựa vấn đề, nghiên cứu và hy vọng 3-5 năm nữa có thể giải quyết nghịch lý này bằng giải pháp hợp lý, phù hợp”.

Từ đây đến điểm mốc 3-5 năm, có thể thành phố tham khảo và thử tiếp cận một trong những mô hình cải tổ toàn diện “bốn chữ C” của đảo quốc Singapore. Đó là Care: cung cấp dịch vụ y tế và trải nghiệm chất lượng cao; Connectivity: kết nối các dịch vụ y tế - tiện nghi thương mại - nghiên cứu và đào tạo; kết nối của đô thị sức khỏe với hệ thống giao thông của thành phố; Continuous Learning and Innovation: nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu; và Community: tạo ra một môi trường sống chất lượng cao cho nhân viên, bệnh nhân và cả cộng đồng. Kết hợp với khuyến cáo đầy triển vọng của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Tăng cường phát triển bền vững TPHCM 2021 cũng đưa ra hướng đi cần thiết là thành phố nên “đầu tư vào một cụm chăm sóc sức khỏe mới”, kết hợp giữa công viên nghiên cứu dược phẩm với công viên dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm đào tạo. Để từ đó, các giải pháp mà thành phố theo đuổi sẽ có lộ trình cụ thể trong kế hoạch đầu tư, phát triển tổng thể. Từ việc khuyến khích đồng bộ phát triển các cụm y tế tập trung và các cơ sở y tế cơ sở; kết hợp bệnh viện với trường y, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực; tạo quỹ đất sạch, có chính sách ưu đãi cho các dự án về y tế…

Với những bước đi căn cơ như thế, thì từ chủ trương cải tổ, nâng cấp mạng lưới y tế, thiết chế lẫn con người chăm sóc sức khỏe xã hội đến hành động bảo vệ, tôn vinh người thầy lương y, mới có cơ sở vững chắc, tin cậy, hiệu quả. 

Tin cùng chuyên mục