Tôm tạp chất - căn bệnh trị hoài chưa dứt

Mặc dù các tỉnh ĐBSCL đã rất nỗ lực xử lý tôm tạp chất, quy trách nhiệm người đứng đầu nếu trên địa bàn để tôm chứa tạp chất còn “đất sống”. Tuy nhiên, việc bơm tạp chất vào tôm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín ngành thủy sản trong nước và sức cạnh tranh của mặt hàng này ở nước ngoài. 
Thực nghiệm cách thức bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở thu mua tôm bị công an Bạc Liêu bắt quả tang. Ảnh: MINH LUÂN
Thực nghiệm cách thức bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở thu mua tôm bị công an Bạc Liêu bắt quả tang. Ảnh: MINH LUÂN
Liên tục bắt quả tang
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn ở vùng bán đảo Cà Mau - thủ phủ tôm của cả nước - liên tục ra quân xử lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành I (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra gần 50 vụ bơm, vận chuyển, sản xuất và chế biến tôm tạp chất.
Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ việc khác ở các tỉnh trong khu vực như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng. Điển hình, vào chiều 13-7, Thanh tra Bộ NN-PTNT kết hợp cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn đang tiến hành bơm tạp chất vào tôm.
Đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ kiểm tra cơ sở thu mua bán tôm do Trần Quốc Trung (34 tuổi, ngụ ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), bắt quả tang 3 công nhân đang bơm tạp chất CMC vào tôm sú nguyên liệu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 60kg tôm sú nguyên liệu (trong đó, 30kg tôm đã được bơm tạp chất CMC), 1 máy cao áp dùng để bơm CMC vào tôm và khoảng 20 lít CMC đã được pha sẵn.
Cũng khoảng thời gian trên, đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập vào cơ sở kinh doanh của Trần Quốc Khải (37 tuổi, ngụ cùng địa chỉ trên). Tại đây, đoàn bắt quả tang 5 nhân công đang bơm tạp chất Agar và CMC vào tôm sú. Đoàn kiểm tra thu giữ khoảng 100kg tôm sú nguyên liệu (khoảng 40kg tôm sú đã bị bơm tạp chất Agar và CMC vào bên trong), 1 máy cao áp, 5 đầu dây, khoảng 150 lít Agar và CMC.
Trước đó, vào ngày 29-5, Cục Cảnh sát Môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), Thanh tra Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang 2 cơ sở đưa tạp chất vào tôm tại xã Vĩnh Mỹ B thuộc huyện Hòa Bình. Sau khi sự việc xảy ra, ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình đã nghiêm khắc phê bình người đứng đầu xã Vĩnh Mỹ B vì để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm.
Ông Thới yêu cầu Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ B khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở vi phạm. Đồng thời, tiếp tục điều tra xử lý các cá nhân, tổ chức tiếp tay, mua, bán tôm tạp chất. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tương tự, người đứng đầu sẽ bị xem xét kỷ luật và điều động sang vị trí công tác khác.
Quyết liệt xử lý
Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân nạn bơm tạp chất vào tôm còn tồn tại, trị hoài không dứt là do các hộ bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ và là dân nghèo. Đa số các hộ này đều biết tổ chức bơm tạp chất vào tôm là hành vi pháp luật nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn làm. Hiện mức phạt hành chính đối với hành vi đưa tạp chất vào tôm là 70 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức. Tuy nhiên, do dễ làm, mức lợi nhuận lớn nên nhiều cá nhân, tổ chức vẫn lén lút thực hiện, dù biện pháp tuyên truyền và xử phạt hành chính đã được áp dụng.
Theo ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chưa được ngăn chặn một cách triệt để chủ yếu do lợi nhuận từ hành vi này rất cao; ý thức của một số người kinh doanh còn thấp; địa bàn rộng, lực lượng thực thi nhiệm vụ mỏng; việc ngăn chặn bơm chích tạp chất chưa đồng nhất giữa các địa phương, nên có trường hợp địa phương nào thực hiện mạnh thì tôm nguyên liệu chuyển sang bán ở địa phương khác.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành I, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng, vấn nạn bơm tạp chất vào tôm vẫn còn tồn tại là do chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành. Đồng thời, do trách nhiệm của cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng này. Bởi lẽ, cán bộ địa phương gần dân, bám sát dân nhất, nếu người dân làm thì cán bộ địa phương phải biết. Nếu không biết là do năng lực của cán bộ kém, còn biết mà không xử lý, vẫn để xảy ra tình trạng này thì phải xem xét lại đối với cán bộ đó.
Bộ NN-PTNT xác định đây là vấn đề cấp bách cần được xử lý, bộ đã đặt ra chỉ tiêu đến hết năm 2018, cơ bản không còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị Thanh tra Bộ NN-PTNT tham mưu, lập kế hoạch phối hợp cùng Bộ Công an thành lập đoàn giám sát. “Nếu đoàn liên ngành của bộ phát hiện thì chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, giải trình với Thủ tướng. Đây là cách để hỗ trợ và cũng là giám sát quá trình thực hiện của địa phương”.
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, phải quy hoạch lại ngành tôm theo hướng liên kết chuỗi. Vì trong chuỗi liên kết, không chỉ nông dân và doanh nghiệp giám sát lẫn nhau mà còn có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Khi đó, từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu phải hướng đến chất lượng, đảm bảo uy tín con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục