Tội phạm tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhưng số vụ phát hiện lại giảm

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019, đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế; 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019 do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp diễn ra ngày 3-9, từ 1-10-2018 đến 31-7-2019 đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018), 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

Đáng lưu ý, tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh, bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, đã khởi tố nhiều vụ án trọng điểm. Chẳng hạn, lĩnh vực tài chính ngân hàng đã khởi tố 33 vụ, 89 vị can. Ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay... còn phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới như giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản ngân hàng, giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng, làm giả phôi thẻ tín dụng để rút tiền chiếm đoạt. Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự tại một số địa phương.

Nhận định về Báo cáo này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, năm 2019 công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Công an đã chủ động triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra cơ bản, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế: tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận, song số vụ việc được phát hiện không nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ. Các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng cũng ít bị phát hiện; có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý.

Tin cùng chuyên mục