Tôi không thể sống khác

1. Dịch Covid-19 lại lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nơi tôi ở chưa phải cách ly, giãn cách xã hội như Đà Nẵng, song vì thói quen sống chung với bất thường của cuộc sống, tôi chọn lựa cách “tự cách ly”, tránh tối đa tiếp xúc với đám đông bạn bè hàng ngày í ới rủ la cà quán xá. 
Tôi không thể sống khác

Chỉ có một thói quen tôi không bỏ được là mỗi sáng trước khi đi làm phải uống một ly cà phê sữa đậm đặc và uống thì phải ngồi một mình uống trên chiếc ghế đá công viên nhìn ra sông Sài Gòn.

Sáng nay cũng vậy, mới xuống nhà, đi qua quán cà phê Quyên thì cô chủ gọi giật giọng: “Chị Hà ơi, lâu lắm rồi chị không ghé mua cà phê nhà em. Cà phê em tự xay ngon lắm, giá có 25.000 đồng thôi”. Tôi mỉm cười chào, nhưng theo quán tính lại bước vào tiệm khác cách có 10m. Bên trong nó có một tủ kính bày những cái bánh Croissant kiểu Pháp với nhân kem, nhân hạnh nhân, nhân nho khô và cả đống trái cây tươi phủ phục bên trên. Và tôi chọn mua một chiếc bánh xốp, có thể xé ra từng mảnh nhỏ kèm một ly cà phê sữa đá. Thú thật, cà phê ở đây tuy chất lượng chưa chắc đã bằng cà phê Quyên, song là loại cà phê mang đi trong ly thủy tinh, không phải là loại plastic vẫn thường thấy. 

Tôi nói với bạn bè rằng, cái hay là tôi có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị cà phê xay và cả sự ấm áp tình người khi người bán không sợ khách mua không trả lại đồ cho mình. Chúng nó nói, sao mày nhiêu khê thế, lỡ có việc gì đột xuất thì sao, thật là phiền toái. Tôi chỉ cười, vì tôi sống theo cách của tôi. Tôi toàn quyền quyết định độ dài chiếc váy tôi mặc, hay chiếc giày cao gót tôi đi. Tôi chứ không phải ai khác.

2. Tôi ghé chơi nhà Phương, con bạn học thời đại học. Và đúng là “chết liền trong một nốt nhạc”. Nhà nó sắp xếp tinh tươm, gọn gàng đến mức cứ tưởng là bảo tàng phải mua vé vào xem. Lại còn sạch sẽ như buồng cách ly âm cho bệnh nhân Covid. Đúng là thiên đường dưới hạ giới! Tôi ngẩn ngơ ngắm tủ sách xếp theo thứ tự dày, mỏng, to, nhỏ; thích màu sắc của cả hũ kẹo trên bàn ăn cùng tông màu với cái rèm cửa sổ.

- Tao phải xin lỗi mày, nhà cửa bừa bộn quá! - con bạn gái cười ngượng nghịu, sửa lại cái gối nằm không vuông góc trên chiếc đi văng thời thượng.

Tôi ầm ừ, thương cho cái thân mình không thể sống trong trật tự không thừa, không thiếu. Nhà tôi đúng là sự hỗn tạp. Chỗ này vứt chỏng chơ cuốn sách, chỗ kia quẳng mấy cái đồ không biết đã dùng chưa và đủ thứ hằm bà lằng mà tôi không biết chính xác vị trí của chúng ở đâu. Nhìn Phương với cái tổ ấm hạnh phúc, tôi ngưỡng mộ ra mặt. Tôi nói với Phương: Tao như lạc vào thế giới thần tiên chỉ có trong phim Maleficent của cô đào Angelina Jolie mới xem. Nó chỉ lí nhí nói: Không biết mày đến chơi nên chẳng kịp dọn nhà! Ôi, nó đúng là siêu nhân, tôi không bì được và tôi không thể sống khác.

Hôm sau, tôi lại cãi cọ với cô con gái 5 tuổi. Chuyện cũng chẳng đâu vào đâu: Nó muốn tôi mặc bộ đầm Dior trong lễ bế giảng lớp lá, song tôi lại quên khuấy và vẫn đưa nó đến trường trong chiếc quần jeans thủng lỗ chỗ ở đầu gối. Nó lúng búng: Mẹ thật là… không giống ai. 

Tôi ngồi chờ. Nó ra khỏi lớp. Mặt nó lấm lem. Bộ đồng phục nhầu nhĩ, chỗ vàng, chỗ đỏ vì để rớt đồ ăn. Tôi nói: Con gái yêu, mẹ chụp tấm hình kỷ niệm nha. Tôi thích lưu giữ hình ảnh đứa con bé bỏng với nụ cười trẻ thơ bẽn lẽn, với cặp mắt sáng long lanh, chứ không phải vì bộ váy áo đỏm dáng này kia! Tôi không thể sống khác.

3. Trên đường đi làm, tôi tạt qua tiệm spa của con Thủy, cũng là con bạn học đại học, lấy được tấm chồng là một đại gia bất động sản. Nó xinh đẹp, tuy gần 40 tuổi nhưng nom bề ngoài chưa tới 25. Nó kéo tôi vào trong, thì thầm: Mày già quá, muốn trẻ lại hãy nghe tao. Đây là botox, chỉ chích một cái là da căng, bóng loáng. Đây là mỹ phẩm tao đặt mua từ Siberia, hoàn toàn hữu cơ, nó giúp dưỡng da, làm da có độ mịn, đàn hồi. Tôi nghe ù tai. Tôi không thể làm được như nó! Nó là siêu nhân!

Tôi đến chỗ làm. Đúng ra là tới đường sách Nguyễn Văn Bình giao lưu với bạn đọc. Đại loại là kể lể chuyện trên giời, dưới biển rồi ký tặng sách. Cũng bật mí là tôi làm thơ. Cuốn này là cuốn thứ 2 và tôi xuất bản được là nhờ sự hảo tâm của anh Nhân mập, chủ Nhà sách Huyền Đức. Cuốn đầu tôi in 500 bản ở NXB Trẻ và phải mất 3 năm mới đi tặng hết đống sách.

Lần này, xem chừng tôi đổi phong cách, viết theo thể loại Haiku của Nhật dạng như viết về phòng chống dịch Covid-19: Đeo khẩu trang/Hai ta/Chán nên cũng bán được 2.000 cuốn. Ký xong, tôi bần thần ngồi uống ly cà phê - dĩ nhiên là ly thủy tinh - thì bỗng nghe tiếng lầm rầm nói chuyện của 2 cô bé ở bàn đằng sau: “Bà này có giọng thơ lạ, sau này không biết tớ có thể viết được như vậy không?”. Tôi quay lại nói: “Được. Nếu các con muốn và thích”.

Chúng như con mình. Mỗi người mẹ đều nhớ cái tuổi mới lớn đáng yêu của chúng. Chúng mơ ước. Chúng trăn trở. Và chúng lớn lên. Rồi chúng trở thành cha mẹ như tôi.

Tôi viết. Là lựa chọn của tôi. Vì rằng tôi ích kỷ và muốn sống hạnh phúc…

Tin cùng chuyên mục