Tôi không có thời gian để trầm cảm


Có người nói, trầm cảm ở người trẻ hiện nay như một căn bệnh “nan y”, khó tìm ra nguyên nhân cụ thể để trị tận gốc. Với những người thuộc thế hệ 8X như chúng tôi, nói “không có thời gian để trầm cảm” cũng không sai. Còn với xã hội hiện tại, khi có quá nhiều sự lựa chọn và kết nối bên ngoài thì bạn trẻ lại mất kết nối với chính mình…
Quây quần bên gia đình cũng là cách giúp giảm stress
Quây quần bên gia đình cũng là cách giúp giảm stress

Mất kết nối với chính mình

Bạn trẻ hiện đại không thiếu kết nối bên ngoài. Thời buổi Internet phát triển cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, một người có thể sở hữu vài ba tài khoản kết bạn khác nhau là chuyện thường. Nhưng chuyện không biết mình muốn gì, thích gì… vẫn là nỗi niềm phổ biến trong giới trẻ, nhất là thế hệ gen Z. Và khi mạng xã hội mở ra nhiều kết nối, người trẻ lại mất dần khả năng trò chuyện “face to face” (mặt đối mặt), khi mọi thứ từ ăn uống, mua sắm, đến tìm người yêu đều gói gọn trong những ứng dụng nằm trọn trong chiếc điện thoại.

Làm công việc kết nối cho những tài khoản hẹn hò tại một ứng dụng tìm bạn đời có tính phí, Lâm Hoài Phương (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Tôi làm công việc kết nối hẹn hò cũng hơn 3 năm nay, khách hàng ban đầu thường 30 tuổi trở lên, nhưng hơn một năm trở lại đây có những bạn mới là sinh viên năm 1, năm 2. Một xu hướng rất lạ trong giới trẻ bây giờ là các bạn sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, nhưng lại khó bày tỏ, khó có bạn thân và càng khó tìm người yêu”.

Trong buổi trò chuyện về kết nối với chính mình do hiệu sách Kafka tổ chức vào năm 2021, bạn trẻ P.H.N. (29 tuổi, ngụ quận 1) kể câu chuyện của mình: “Tôi bị trầm cảm, phải đến bệnh viện điều trị và dùng thuốc. Có một khoảng thời gian dài, tôi thường nghe nhạc âm lượng cao và tiết tấu cực mạnh mới có thể ngủ được. Sau những biến cố của gia đình, tôi cuốn mình vào công việc và không còn quan tâm những thứ khác, kể cả cảm xúc của chính mình. Đến khi phải vào bệnh viện điều trị, trong một lần trò chuyện với bác sĩ, tôi mới cảm nhận mình đang khóc”.

Không phán xét sẽ không tổn thương

Chuyện nam sinh viên năm nhất (quê Bình Định) tự tử vừa qua hẳn là một nốt lặng đau lòng gia đình và cũng đau lòng dư luận. Đằng sau nỗi đau ấy, câu hỏi đặt ra là vì sao có nhiều người trẻ dễ dàng tìm đến cái chết? Chuyện gì hẳn cũng có nguyên nhân, trong số đó không loại trừ trầm cảm và mất kết nối cảm xúc trong giới trẻ ngày càng tăng. Khảo sát gần đây của mạng lưới tiếp thị toàn cầu McCann Worldgroup (Mỹ), với chủ đề “The Truth About Gen Z” (tạm dịch “Sự thật về gen Z”) cho biết, có đến 76% bạn trẻ gen Z chia sẻ họ gặp khó khăn trong việc kết nối cảm xúc với người xung quanh.

Cũng không ngoa khi nói rằng thế hệ 8X trở về trước không có quá nhiều kết nối và cũng không có thời gian để trầm cảm. Câu chuyện gen Z hiện tại thì ngược lại… Mỗi thế hệ đều có những áp lực riêng, học cách cân bằng cảm xúc, kết nối với chính mình hẳn là câu chuyện mà người trẻ hôm nay cần quan tâm trước hết để không rơi vào vòng xoáy trầm cảm, hay tệ hơn là tự tử.

Thạc sĩ tâm lý Hương Lê (sáng lập dự án InPsychOut, cổng thông tin bao gồm những bài viết và câu chuyện liên quan đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ Việt, với hơn 23.700 lượt theo dõi trên mạng xã hội), chia sẻ: “Mỗi người sẽ có một cách thức riêng và độc đáo, khác với người khác để duy trì và nâng cao sức khỏe tinh thần của bản thân. Tuy vậy, có 4 điểm chung mà chúng ta có thể áp dụng để tìm ra phương thức chăm sóc và cải thiện đời sống tinh thần: chăm sóc sức khỏe thể chất, kết nối với người khác, học hoặc rèn luyện kỹ năng mới, chú ý vào khoảnh khắc hiện tại.

Trước tiên, “Self-care is not selfish” - “Chăm sóc bản thân không hề ích kỷ”. Tiếp theo, các mối quan hệ tốt rất quan trọng với sức khỏe tinh thần. Và đừng ngại ngần tiếp cận, chia sẻ những trải nghiệm, kể cả tiêu cực lẫn tích cực, với những người bạn tin tưởng. Cuối cùng, quan tâm nhiều hơn tới thời điểm hiện tại, bao gồm trạng thái của cơ thể bạn, suy nghĩ, cảm xúc của bạn và cảm nhận môi trường xung quanh bằng các giác quan của mình”.

Theo TS Phạm Thị Thúy, với người trầm cảm, họ rối loạn suy nghĩ, khó tập trung. Khi thu mình lại, bi quan hay than phiền, cáu gắt, họ dễ xung đột với gia đình, đồng nghiệp… Họ hủy hoại chính mình như cắt tay, làm đau mình và cao nhất là tự tử. Để phòng bệnh trầm cảm, mỗi người nên gia tăng các mối quan hệ, mở rộng cơ hội giao lưu với mọi người. Trong nhà, mọi người nên cố gắng dành nhiều thời gian cho nhau, ăn chung, chơi chung, chia sẻ. Nếu một ai đó cô đơn, không có người chia sẻ thì nguy cơ rơi vào trầm cảm rất cao.

Tin cùng chuyên mục