Toan tính khó khả thi

Ngày 1-4, Chính phủ Nga tố cáo mục tiêu chính của một số nước phương Tây trong việc cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này là nhằm ngăn chặn việc tổ chức VCK giải bóng đá thế giới (World Cup) 2018 tại Nga. 

Vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc hồi đầu tháng qua đã nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Các bên liên tục đưa ra đòn trả đũa, trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres từng phát biểu đầy quan ngại rằng vòng xoáy trừng phạt - trả đũa giữa Nga và phương Tây có dấu hiệu giống một cuộc Chiến tranh lạnh. Mỹ, hôm 26-3, nhấn mạnh vụ trục xuất công dân Nga và đòn đáp trả của Nga với Mỹ đều ở quy mô chưa từng có và cuộc chiến giữa các nhà ngoại giao chắc chắn chưa kết thúc.

Nhìn lại diễn biến, giới quan sát lưu ý rằng cuộc khủng hoảng nổ ra chỉ vài hôm trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga, nơi mà Tổng thống Nga Vladimir Putin được dự báo nắm chắc phần thắng và 3 tháng trước sự kiện thể thao trọng đại World Cup 2018 mà Nga là nước chủ nhà. Thời điểm nổ ra cáo buộc nhằm vào Nga mà Anh mở màn thực sự quá trùng hợp khiến không ít người tin rằng phương Tây muốn làm lớn vụ việc để triệt hạ uy tín của Tổng thống Putin, người đang nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri Nga. Thế nhưng, theo các hãng tin của phương Tây như RFI của Pháp, tính toán của phương Tây lại vô tình trao cho ông Putin cơ hội thắng lớn, giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ 4 với gần 77% số phiếu bầu. Nhiều hãng tin nhận định tỷ lệ thắng cử cao hơn dự báo đã giúp chủ nhân điện Kremlin tự tin hơn nữa trong lúc quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây rơi vào khủng hoảng.

Có thể nói, việc phương Tây “đoàn kết” tấn công Nga xuất phát từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Mátxcơva trong những năm qua. Từ một nước Nga không còn nhiều tiếng nói trên trường quốc tế sau khi Liên Xô tan rã, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga trở lại ngôi vị đại cường trên thế giới. Tầm ảnh hưởng của Nga ngày càng lớn mạnh và có thể thấy rõ trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Phương Tây và Mỹ xem Nga là một đối thủ, mối đe dọa thực sự nên tìm mọi cách làm suy yếu Nga. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga của phương Tây và Mỹ sau những cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine hay lý do phản đối Mátxcơva sáp nhập Crimea, là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, kết quả lại không được như Mỹ và các đồng minh phương Tây mong đợi. Các biện pháp trừng phạt kinh tế chẳng những tác động không đáng kể đến nền kinh tế Nga mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm Nga phát triển, tăng trưởng nhảy vọt từ 4%-5%/năm...

Giới quan sát nhận định trong công cuộc phát triển đất nước, ngoài tự lực, tự cường, Nga vẫn cần các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có châu Âu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng từ vụ đầu độc cựu điệp viên Nga chỉ khiến nỗ lực tái lập quan hệ bình thường giữa Nga với phương Tây sẽ khó khăn hơn. Còn những toan tính gây sức ép về chính trị, kinh tế của phương Tây hòng làm mất uy tín của Tổng thống Nga, làm nước Nga suy yếu khó khả thi khi mà đa số người dân Nga hiện đang đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo của họ trên con đường đưa Nga ngày càng trở nên cường thịnh

Tin cùng chuyên mục