Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ đóng giả cán bộ quân đội lừa hơn 18 tỷ đồng

Một vụ làm giả con dấu của tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến 18 tỷ đồng vừa được TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử nhưng sau đó Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung.  

Trong 2 ngày 3 và 4- 5, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Thị Kim Luân (35 tuổi, ngụ Bình Phước) cùng 5 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Ngoài Kim Luân, 5 bị cáo còn lại gồm Nguyễn Thị Hồng Thanh (SN 1985), Vũ Thị Diệu Thúy (SN 1975), Lê Trần Minh (SN 1978) cùng ngụ tỉnh Bình Phước bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng 2 bị cáo Huỳnh Phạm Phương Thảo (SN 1980), Bùi Nguyễn Minh Thảo (SN 1994) bị khởi tố tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm

Theo cáo trạng, năm 2010 Luân vào làm nhân viên Kho K899 thuộc Cục Quân khí Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Cuối năm 2011, Luân nghỉ việc, chuyển về sống tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).

Tại đây, Luân tung tin mình là nhân viên quốc phòng, có thể xin việc trong các đơn vị quân đội và mua bán đất dự án để được bồi thường với giá cao.

Đầu năm 2012, Luân quen Nguyễn Thị Hồng Thanh ở Đồng Xoài, giới thiệu mình là cán bộ quân đội, hứa lo việc với giá 40 triệu đồng. Sau khi giao tiền và biết bị lừa, Thanh vẫn tiếp tay để Luân lừa tiếp mẹ mình 77 triệu đồng.

Lừa được tiền, Luân trả lại cho Thanh 40 triệu đồng. Sau đó, Luân tung tin Thanh đủ tiêu chuẩn mua đất quân đội và mẹ Thanh tiếp tục đưa tiền nhiều lần, tổng cộng 860 triệu đồng.

Thấy ngon ăn, Luân tiếp tục lừa dì của Thanh, lấy gần 1,8 tỷ đồng để mua đất, chạy việc… Để lừa lấy số tiền trên, ngoài sự trợ giúp của Thanh, Luân còn thuê người đóng giả Chủ nhiệm K882, cán bộ Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), cán bộ K882…

Luân còn thuê Lê Trần Minh đóng giả… tướng quân đội để lừa đảo. Cụ thể, tháng 9-2015, khi biết bà Trần Thị Bích Phượng (ngụ huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) chuyên cho vay nên Luân bàn với Thúy (từng là nạn nhân của Luân - PV) tìm cách lừa bà Phượng. Thúy giới thiệu những lời có cánh về Luân để bà Phượng cho vay.

Đến hạn nhưng không có tiền trả, Luân thuê Minh giả làm một thiếu tướng ở Cục Quân khí, gọi điện thoại cho bà Phượng thuyết phục đưa thêm tiền. Rốt cuộc, Luân và Thúy lừa của bà Phượng 3,6 tỷ đồng, Luân trả công cho “thiếu tướng” dỏm 100 triệu đồng. Ngoài lần này, Luân còn thuê Minh đóng giả tướng quân đội lừa của 10 người khác và mỗi lần nhập vai “thiếu tướng”, Minh được trả công 10-100 triệu đồng.

Tổng số tiền mà các bị can lừa của 12 nạn nhân là hơn 18 tỷ đồng.

Tại các phiên xét xử, lời khai của các bị cáo và bị hại còn nhiều mâu thuẫn như: mối quan hệ giữa các bị cáo và bị hại, động cơ vay tiền và nhận tiền cũng như đường đi của số tiền hàng chục tỷ đồng mà VKSND tỉnh Bình Phước đã truy tố. Qua việc thẩm vấn công khai tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng cần làm rõ các vấn đề phát sinh trong vụ án như việc chuyển tiền thông qua người khác, cần xem xét khách quan về  hành vi của 1 số đối tượng có dấu hiệu che giấu tội phạm và trưng cầu nội dung các cuộc điện thoại liên quan đến vụ án.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tin cùng chuyên mục