Tọa đàm “Theo dòng lịch sử cải lương tại Sài Gòn” (1955-1975)

Sáng 8-11, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức Tọa đàm “Theo dòng lịch sử cải lương tại Sài Gòn” giai đoạn 1955 – 1975, với sự tham dự của NDND Trần Ngọc Giàu, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Thanh Tuấn, các NSƯT, đạo diễn, tác giả, các nhà nghiên cứu cải lương, tác giả, đạo diễn...

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều NSND, NSƯT, các nhà nghiên cứu cải lương, tác giả, đạo diễn...
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều NSND, NSƯT, các nhà nghiên cứu cải lương, tác giả, đạo diễn...

Tọa đàm được tổ chức nhằm khẳng định lại những giá trị quý báu mà sân khấu cải lương đã đạt được từ trong quá khứ, xoáy vào vấn đề nghệ thuật biểu diễn cải lương và phong cách trình diễn của đội ngũ nghệ sĩ tài danh trong giai đoạn lịch sử 1955-1975 – thời sân khấu cải lương hoàng kim rực rỡ, đồng thời cũng ghi nhận lại một thời kỳ nghệ thuật cải lương được cách tân, phát triển mạnh mẽ, lan tỏa vào trong đời sống nhân dân, tạo dấu ấn đặc biệt bằng sự góp mặt hoạt động của cả trăm đoàn hát tên tuổi, đa phong cách. 

Một loạt bài tham luận như: Tổng kết bước đầu về nhân tố tạo thành tựu sân khấu cải lương Sài Gòn, Điểm qua hoạt động và phong cách nghệ thuật của một số đoàn cải lương tiêu biểu tại Sài Gòn, Từ vọng cổ nhịp 32 nghĩ về bài vọng cổ và nhớ về những tài danh vọng cổ cải lương… cùng nhiều ý kiến đóng góp đã lần lượt được trình bày, đưa ra bàn luận, đào sâu vào nguyên nhân, lý do, điều kiện, sự thuận lợi của xã hội và thời cuộc đã tạo nên sức bật và sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu cải lương Sài Gòn giai đoạn trước giải phóng.

Qua đó, cần thiết phải có sự nhận định lại các hoạt động tổ chức biểu diễn, sự tồn tại và phát triển của sân khấu cải lương hôm nay, trên con đường bảo tồn, gìn giữ, phát triển, nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội hiện đại.

Tọa đàm “Theo dòng lịch sử cải lương tại Sài Gòn” (1955-1975) ảnh 1 Từ trái qua: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Thanh Tuấn, NSND Trần Minh Ngọc tại buổi tọa đàm cải lương
Nhiều vấn đề được đặt ra tại hội thảo như: nội dung của các vở tuồng hiện tại phản ảnh được điều gì của xã hội hiện đại; việc tạo phong cách cải lương mới là tốt nhưng cũng không nên làm mất đi giá trị nền tảng cơ bản của cải lương; vai trò của thầy đờn, ông bầu của sân khấu cải lương xưa; sự phát triển đồng bộ của tất cả các khấu sáng tạo nghệ thuật; vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc nghệ thuật cải lương hôm qua và hôm nay; đưa tân nhạc vào trong sân khấu cải lương như thế nào hợp lý; địa điểm biểu diễn cải lương, đáp ứng được nhu cầu tổ chức biểu diễn của nghệ sĩ; việc thiếu kịch bản hay; sự hỗ trợ và quan tâm của nhà nước với loại hình nghệ thuật truyền thống, cần quan tâm có sự đầu tư thỏa đáng cho sân khấu dân tộc; những vấn đề ràng buộc sự chuyển mình và phát triển của sân khấu cần được đào sâu... 

NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra của tọa đàm là sự phát triển bền vững cho sân khấu. Chúng ta phải nhìn lại để đưa ra được nguyên nhân vì sao cải lương gặp khó khăn, từ đó tìm ra các giải pháp, cách thức thử nghiệm cho cải lương hôm nay. Tọa đàm cũng gợi mở cho hướng đi tiếp theo của sân khấu cải lương thành phố…”

Sau buổi tọa đàm, một số tham luận chất lượng sẽ được Hội Sân khấu chọn lọc để làm đầy thêm nguồn tư liệu nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu cải lương, để chuẩn bị cho bước tiếp theo là thực hiện một cuốn sách tư liệu về lý luận phê bình nghệ thuật cải lương. Ngoài ra, ý tưởng sẽ thực hiện một thư viện cải lương để góp phần gìn giữ, lưu truyền những tư liệu, băng đĩa, vật phẩm, hình ảnh quý giá của sân khấu cải lương từ trong lịch sử đến hiện đại cũng được đưa vào kế hoạch làm việc của Hội Sân khấu thành phố. 

Tin cùng chuyên mục